Có cả trăm công an, cảnh sát vào cuộc điều tra, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cái chết của 6 người trong gia đình ông Trần Văn Rạng.
Nội dung chính
- 1 Ngôi nhà chết chóc bí ẩn ở Thái Bình
- 1.1 Phá ngôi miếu cổ xây nhà – Thần xà báo oán
- 1.2 Lợn gà lăn quay ra chết hàng loạt
- 1.3 Con vịt kỳ quái đẻ hàng trăm quả trứng
- 1.4 Những cái chết bí ẩn không tìm thấy lời giải đáp
- 1.5 Tấn thảm kịch khủng khiếp trong 100 ngày ông Rạng
- 1.6 Đại tang xảy ra liên tiếp
- 1.7 Hai bà cháu chết cùng một ngày
- 1.8 Cái chết thứ 5 của anh Trần Văn Út
- 1.9 Công an, nhà khoa học, nhà tâm linh vào cuộc
- 1.10 Khoa học bó tay
- 1.11 Những nhà tâm linh kỳ lạ
- 1.12 Vị “thánh” xuất hiện
- 1.13 Cả chục người lăn ra bất tỉnh vì gặt lúa giúp
- 1.14 Đồng loạt ngất xỉu
- 1.15 Ngôi miếu thứ 2 được xây trước ngôi nhà dở dang của anh Út
- 1.16 Cái chết cuối cùng khép lại bi kịch bí ẩn của đại gia đình
- 1.17 Cái chết của trưởng thôn và ông Lưu
Đây là câu chuyện có thật xảy ra tại xóm 9, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tài liệu này do Nhà báo Phạm Ngọc Dương (Báo điện tử VTC News) đã lặn lội về tận nơi, ghi chép lại cẩn thận câu chuyện kinh thiên động địa và đến nay vẫn chưa thể lý giải.
Hàng trăm công an, cảnh sát hình sự, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà tâm linh vào cuộc nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân thực sự gây nên cái chết của 6 người trong gia đình ông Trần Văn Rạng (xã Vũ Tây – huyện Kiến Xương – tỉnh Thái Bình). Và cứ thế, câu chuyện bí ẩn về ngôi nhà có 6 người chết thảm ở Thái Bình đi dần vào ngõ cụt, trở thành vụ “ma hành, thánh vật” rợn người. Cái chết bí ẩn này cũng là bằng chứng rõ ràng nhất cho những người đi theo chủ nghĩa duy tâm vững niềm tin vào sự tồn tại của một thế giới khác mà khoa học chưa thể lý giải được.
Phóng viên VTC News lặn lội về Thái Bình để tìm hiểu cái chết bí ẩn 6 người nhà ông Rạng
Ngôi nhà chết chóc bí ẩn ở Thái Bình
Đã nhiều năm trôi qua nhưng cứ mỗi khi nhắc đến chuyện ma ám, ma hành, thánh vật là người dân ở xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình lại nghĩ ngay đến ngôi nhà của ông Trần Văn Rạng cùng câu chuyện 6 người trong gia đình chết bất đắc kỳ tử, gây náo loạn cả tỉnh Thái Bình thời kỳ đó.
Nằm ở gần triền đê sông Trà Lý, trái ngược hẳn với con đường đổ bê tông hiện đại là một ngôi nhà hoang đổ nát, cỏ mọc um tùm – nơi cư trú của anh Trần Quốc Việt, một trong hai người con trai còn sống sót của ông Trần Văn Rạng. Sau một thời gian chạy trốn, ẩn dật để tránh khỏi bị “thánh vật”, cuối cùng anh cũng quyết định trở lại nơi chôn rau cắt rốn, đối mặt với tử thần để mong được đoàn tụ với tổ tiên ông bà theo như chính lời kể của anh.
Đường vào nhà ông Rạng cỏ mọc um tùm
Anh Trần Quốc Việt – Một trong số 2 người con trai còn sống của ông Rạng
Ông Trần Văn Rạng là một người con của dòng họ Trần ở xóm 9, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Đào ở cùng xóm và có với nhau tới 8 mặt con: 4 trai, 4 gái. Gia đình làm nông nghiệp, lại đẻ nhiều nên ông bà cũng ít cho con cái học hành, chỉ mong nuôi lớn rồi nối nghiệp bố mẹ, sống bằng cây lúa, củ khoai trên mảnh đất của tổ tiên.
Suốt cuộc đời gắng sức tần tảo làm lụng, những người con trai, con gái rồi cũng lớn dần, bắt đầu lo lắng sự nghiệp, lấy vợ, gả chồng. Rồi một người con trai bỏ xứ vào Nam lập nghiệp, một người thì làm bảo vệ ở thành phố Thái Bình, những người con gái thì đi lấy chồng ở xã khác, xóm khác, có cô còn lấy chồng ở tận Tây Nguyên. Vì thế nên chỉ còn người con cả là Trần Văn Viết và người con thứ 3 là Trần Văn Út ở lại sinh sống cùng bố mẹ trên mảnh đất do tổ tiên để lại.
Sau một thời gian tích cóp, tiết kiệm, người con cả Trần Văn Viết đã bắt đầu ổn định được cuộc sống và muốn cùng vợ ra ở riêng. Anh Viết được bố mẹ chia cho một mảnh đất nằm ở trước mặt ngôi nhà nơi ông bà đang ở và ở đó mọc lên một ngôi nhà, tuy chỉ là nhà cấp 4, nhưng lại khá rộng rãi, khang trang.
Còn người con trai thứ 3, Trần Văn Út, sau khi lấy vợ vài năm và dành dụm được ít tiền cũng xin bố mẹ cho ra ở riêng. Mảnh đất khá rộng, lại chưa xây cất gì nhiều nên ông bà Rạng cũng chia khoảng 200 mét vuông ở mé trái, phía sau ngôi nhà hai ông bà đang ở cho cậu con thứ 3.
Chỉ có hai vợ chồng nên anh Út cũng không để tâm lắm tới vấn đề tiện nghi và chỉ cất một ngôi nhà ở tạm rộng khoảng 30 mét vuông. Tuy nhiên đến khi vợ anh sinh đứa con đầu lòng và hai người cũng đã tiết kiệm được một số tiền kha khá thì căn nhà bỗng trở nên chật chội hơn hẳn. Thế là hai vợ chồng quyết định xây dựng một ngôi nhà mái bằng khang trang hơn, bên cạnh ngôi nhà cũ và biến ngôi nhà đang ở thành nhà bếp. Và những bi kịch của câu chuyện cũng bắt đầu từ đây, khi anh Út quyết định phá bỏ, di dời ngôi miếu trên mảnh đất của gia đình đi chỗ khác để xây dựng căn nhà.
Ngôi nhà anh Út đang xây dở giờ bỏ hoang mãi mãi
Phá ngôi miếu cổ xây nhà – Thần xà báo oán
Nguyên nhân của tấn thảm kịch này có lẽ bắt nguồn từ ngôi miếu cổ. Nói là ngôi miếu nhưng thực chất đây chỉ là một cái miếu nhỏ, tương tự như cây hương trước nhà. Lịch sử của ngôi miếu này cũng rất sáng tỏ, có thể tìm hiểu rõ ràng về nguồn gốc và thời gian xây dựng nó.
Vào năm 1945, nạn đói đổ ập vào miền Bắc nước ta, gây nên cái chết cho khoảng 2 triệu người. Năm đó, có 3 mẹ con ăn mày lưu lạc đến ngôi làng để xin ăn. Nhưng ở nước ta lúc bấy giờ hầu như chỗ nào cũng gặp phải người chết vì đói. Dân làng cũng chẳng thể giúp được gì cho họ. Bụng đói, người con thứ 2 leo lên cây sung lớn ngả ra ao để hái sung ăn. Nhưng chưa hái được trái nào thì cậu bé trượt chân, ngã xuống ao. Thấy vậy, người anh và người mẹ cũng lần lượt nhảy xuống để cứu. Nhưng ao sâu nước cả, lại thêm kiệt sức do đói, cuối cùng cả 3 mẹ con đều chết đuối dưới ao.
Người dân trong xóm thấy vậy nổi lòng thương xót, vớt 3 mẹ con lên, bó chiếu rồi chôn cất cẩn thận ngay cạnh cái ao. Đến khi nạn đói trôi qua, trong làng may mắn ít có người phải chết đói. Nghĩ rằng được 3 mẹ con phù hộ, các cụ nhà ông Rạng mới cùng một số người dân trong làng đóng góp, chủ trì xây dựng một miếu nhỏ để thờ.
Ngôi miếu cổ thờ 3 mẹ con người ăn mày giống cây hương trước nhà
Sau này, ngôi miếu dần trở thành địa điểm tụ họp tâm linh của các hộ dân trong xóm. Ngày rằm, lễ tết, mọi người đều thắp hương, cúng bái chu đáo. Dần dần ngôi miếu trở thành miếu thờ thần linh.
Khoảng năm 1948, có một người cô trong họ Trần bị đau ốm, bệnh tật liên miên. Vốn là thầy cúng, lại hay xem long mạch, bà bảo long mạch ở đất của dòng họ mình có vấn đề nên phải lập một ngôi miếu khác rồi rước thần ở miếu thờ 3 mẹ con về thờ.
Nghĩ là làm, bà xây dựng một ngôi miếu khác, khá nhỏ và đơn sơ cũng nằm ở rìa ao, đối diện với ngôi miếu cũ. Bà còn mời cả thần linh, thổ địa về ngự ở ngôi miếu này rồi thắp hương cúng bái, lễ lạc cẩn thận. Tuy nhiên mọi việc đều vô ích. Bệnh tình của bà ngày càng trở nên nặng hơn rồi bà qua đời ngay trong lúc đang khấn vái ở miếu.
Câu chuyện khiến cho người dân nơi đây càng tin hơn vào sự linh thiêng của miếu thờ 3 mẹ con. Thế là từ đó nơi đây trở thành chỗ dựa tâm linh của dòng họ Trần, là nơi thắp hương, tụ tập của các thế hệ trong những ngày lễ trọng đại. Một số người dân xung quanh cũng đến thắp hương cầu bình an, sức khỏe, tài lộc.
Còn một điều kỳ lạ là thi thoảng lại có một con rắn, không rõ là rắn gì, dài khoảng 3m, người to bằng chiếc điếu cày, lưng màu đen, thường ngự ở trong miếu. Có lúc nó nằm ở chỗ bát hương, có lúc nằm vắt vẻo trên nóc miếu, có lúc lại nằm trên ngọn cây trứng gà gần đó. Ai cũng coi đó là hóa thân của thần linh nên không dám xua đuổi hay bắt làm thịt. Mà kỳ lạ nhất là con rắn chẳng sợ và cũng chẳng đụng đến người dân nào trong làng.
Con rắn được mọi người cho là hiện thân của thần linh
Ngôi miếu cứ nằm yên ổn ở đấy mấy chục năm, trở thành một chỗ dựa tâm linh cho dòng họ Trần nói riêng và cả người dân xóm 9 nói chung. Để rồi đến khi được phá bỏ và di dời sang chỗ khác thì nó bỗng nhiên đem lại những tang thương, chết chóc cho cả một gia đình nông dân.
Lợn gà lăn quay ra chết hàng loạt
Có vị trí nằm ở giữa mảnh đất được bố mẹ chia cho, anh Trần Văn Út chẳng biết phải xây sao cho phù hợp, hài hòa. Lúc trước khi chỉ có hai vợ chồng thì không sao, nhưng bây giờ có thêm một đứa con, nhà cửa chật chội quá thì không tiện. Cực chẳng đã, anh xin phép gia đình và xóm làng để phá bỏ ngôi miếu cũ, xây dựng ngôi miếu mới và dời ra đó thờ cúng. Và trước khi phá miếu, gia đình đã mời thầy cúng về lễ bái, xin phép cẩn thận. Tuy nhiên không hiểu sao những sự việc kỳ lạ vẫn xảy ra, gây nên sự tang tóc, đau thương mà bắt đầu là cái chết của những con vật nuôi trong gia đình.
Để tăng gia sản xuất, nhà anh Út nuôi khá nhiều lợn, gà, vịt. Tuy nhiên ngay sau hôm phá miếu, một con lợn bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Nghĩ là có thể do dịch nhưng mọi người lúc đó cũng chẳng sợ hãi là mấy nên tiến hành mổ thịt và định để một phần ăn, phần mang ra chợ bán. Tuy nhiên điều đáng sợ nhất là khi mọi người còn chưa mổ xong một con thì cả mấy chục con còn lại trong chuồng bỗng nhiên kêu eng éc, chạy nhảy húc đầu lung tung, lăn ra đất, co giật, sùi bọt mép rồi chết hàng loạt.
Đến 6 giờ chiều cùng ngày, trong lúc công việc mổ bụng còn đang dang dở thì đàn gà trong chuồng cũng tự dưng kêu quang quác. Chúng vừa bay, vừa chạy, đâm đầu tứ phía rồi chết hết mà không rõ lý do vì sao.
Con vịt kỳ quái đẻ hàng trăm quả trứng
Sau cái chết của đàn gà, mọi người bắt đầu trở nên hoảng sợ. Những người hàng xóm sang xem lợn vội vã chạy ngay khỏi nhà anh Út. Mấy đứa trẻ cũng được sơ tán để tránh lây dịch bệnh từ lợn, gà.
Trong lúc mọi người đang suy nghĩ, lo lắng không biết xử lý đàn gà, đàn lợn chết bất đắc kỳ tử như thế nào thì lại đến phiên mấy con vịt nhà anh Út xảy ra chuyện. 6 con vịt đẻ lúc này vừa đi kiếm ăn về, đang chuẩn bị tìm chỗ ngủ thì bỗng nhiên nổi điên, kêu quang quác rồi lăn đùng ra chết trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Vậy là chỉ trong một ngày, cả lợn, gà, vịt nhà anh Út nuôi đều chết sạch. Không còn sức để làm thịt đám vịt do quá nhiều, anh Út buộc phải ném xác 6 con vịt xuống ao. Tuy nhiên chỉ một lúc sau, một con vịt trong số đó bỗng nhiên lạch bạch đi từ ao vào vườn. Thấy sự lạ, mọi người chạy ra kiểm tra lại mấy cái xác thì tất cả vẫn chết cứng, chỉ có con vịt này là còn sống và đi vào.
Khi nhắc đến con vịt này, những người dân xung quanh vẫn còn sởn da gà. Đàn vịt nhà anh Út vốn đã quen được cho ăn uống, có chuồng ấm áp để ở. Nhưng chẳng hiểu sao sau khi sống lại, con vịt này lại tự ra đồng kiếm ăn, đi tha lá chuối khô về tự làm cái ổ to tướng ở bụi chuối sát bờ ao, không quay về chuồng nữa. Một điều kỳ lạ nữa là con vịt đẻ trứng nhiều khủng khiếp. Con vịt này làm ổ, đẻ trứng và cứ sống như vậy. Nó chứng kiến lần lượt từng cái chết của đại gia đình ông Rạng, rồi mới biến mất một cách bí ẩn.
Việc con vịt sống lại, rồi tự làm ổ, đẻ trứng quá nhiều, khiến mọi người trong gia đình ông Rạng sợ hãi. Không ai dám lấy trứng về ăn. Mọi người đều tin rằng, con vịt này là do thần thánh ở ngôi miếu nhập vào, nên nó mới sống lại được và mới biết tha rác làm ổ, đẻ trứng nhiều như thế. Đàn vịt đẻ này vốn được chăm bẵm cẩn thận, được cho ăn, cho uống, có chuồng ấm áp để ở, nhưng tự dưng con vịt này lại biến thành vịt hoang dã, tự lo được cho mình. Đặc tính của nó hoàn toàn khác so với vịt nuôi, nên mọi người mới có sự liên tưởng như vậy. Một người dân trong làng không tin vào điều này khi định đến lấy trứng ăn, thấy con vịt ngồi trên đống trứng mấy trăm quả đã vội vã bỏ đi, không dám lấy quả trứng nào.
Sau này, nhà ông Rạng người chết, kẻ bỏ đi, mọi người cũng chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến con vịt. Mà nó thì vẫn ở cạnh cái ao, chứng kiến cái chết của từng người trong gia đình, rồi biến mất một cách bí ẩn, không ai hay biết.
Những cái chết bí ẩn không tìm thấy lời giải đáp
Sau khi đàn vật nuôi lăn ra chết hàng loạt, đại gia đình ông Trần Văn Rạng đón nhận cái chết đầu tiên của anh Trần Văn Viết (con trai cả ông Rạng).
Anh Viết sinh ra là một chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh. Đến tuổi trưởng thành, anh lấy vợ là người xã bên, nhà chỉ cách nhau khoảng 10 cây số. Vợ chồng anh được ông Rạng chia cho mấy sào ruộng. Sau nhiều năm tích cực cày cuốc và đi làm thuê, có chút vốn liếng nên anh Viết xin ông Rạng cho ra ở riêng. Với một mảnh đất rộng khoảng 200 mét được chia cho, anh cất một ngôi nhà cấp 4 khang trang, sân vườn đầy đủ ngay trước nhà bố mẹ và quay mặt về hướng Đông. Hai nhà vẫn dùng chung một ngõ.
Ngay khi anh Trần Văn Út khởi công xây nhà, anh Viết bỗng nhiên ốm đau, bệnh tật liên miên. Tuy nhiên khi đi khám thì các bác sĩ không tìm ra bệnh và cũng không phát hiện thấy điều gì bất thường. Trước hôm nhà anh Út chuẩn bị đổ mái, anh Viết tự dưng rú lên sợ hãi, rồi lăn đùng ra đất co giật, mắt trợn lòng trắng. Thấy tính mạng anh Viết có thể gặp nguy hiểm nên anh Út nổ xe máy, mọi người lấy vỏ chăn quấn chặt anh Viết rồi một thanh niên ngồi sau xe máy ôm, đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.
Tại bệnh viện, anh Viết được các bác sĩ cấp cứu, cho thở oxi và tiêm thuốc trợ sức nên dần tỉnh táo trở lại. Trong thời gian nằm viện, anh được kiểm tra và xét nghiệm não, tim, phổi, máu,…nhưng đều không có gì bất thường. Vài hôm sau, anh Viết khỏe mạnh trở lại và được xuất viện.
Tuy nhiên ngay sau khi từ bệnh viện trở về thì đến đêm, anh Viết lại có vẻ đuối sức. Sáng hôm sau mọi người trong nhà tập trung lại, còn anh Viết ngồi trên giường, mặt mũi tái nhợt. Anh chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn mọi người với ánh mắt buồn bã. Bà Đào, mẹ đẻ anh Viết thì cứ liên tục đốt nhang, khấn vái ở bàn thờ. Tầm 8 giờ sáng, anh Viết đòi nằm xuống giường. Anh nằm ngửa, cứ lịm đi, rồi chết sau một cơn co giật cứng người.
Sau cái chết bí ẩn của anh Viết, người trong làng đều cho rằng chuyện này là do thần linh trách phạt. Tuy nhiên vợ của anh Việt là một người phụ nữ mạnh mẽ, không tin vào chuyện thần thánh ma quỷ. Sau này trước cái chết của những người trong gia đình nhà chồng, chị đều cố gắng cáng đáng mọi công việc lo hậu sự. Tuy nhiên trước những sự việc này, chị cũng có phần lo lắng cho đứa con trai độc nhất của mình.
Và đúng như những gì chị lo lắng, sau cái chết của anh Viết, bố, chú và con trai anh Viết liên tục lăn ra ngất xỉu. Đã mấy lần gia đình phải cấp tốc đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện. Cũng như bố, bệnh viện không tìm ra nguyên nhân khiến cháu bé này liên tục bị choáng, ngất, co giật sùi bọt ở miệng. Vì quá sợ hãi, chị phải đưa con về bên nhà ngoại. Điều kỳ lạ là mỗi khi cháu ở nhà ngoại thì không sao nhưng khi về đến nhà nội thì lại lăn ra ngất xỉu. Thậm chí chị đã phải gửi con cho nhà người khác nuôi để cậu bé không còn mang họ Trần. Tuy nhiên, với cái chết của bà Đào (vợ ông Rạng) sau này, mọi người nhận ra thần linh không chỉ bắt người trong dòng họ. Chính vì vậy, chị đã quyết định đưa con trai bỏ đi biệt xứ cho đến nay vẫn không dám quay trở về làng.
Sau cái chết của anh Viết, người tiếp theo bị “thánh vật” chính là ông Rạng. Ngay khi anh Viết qua đời, mọi việc xây dựng nhà cửa đình lại. Ông bà Rạng cùng con cháu chạy ngược chạy xuôi tìm thầy cúng bái liên tục với mong muốn tai qua nạn khỏi. Nhiều thầy cúng đã đến tận nơi làm lễ, trấn yểm, từ đó mọi người đã lấy lại niềm tin, đỡ sợ hãi hơn. Giải quyết xong chuyện tang ma cho anh Viết, gia đình lại bàn tính chuyện tiếp tục cất nóc nhà cho anh Út. Tuy nhiên, việc này chưa kịp thực hiện thì ông Rạng lại có biểu hiện lạ.
Ông Rạng từng đi bộ đội, ra sống vào chết, tuy nhiên, ông may mắn là không bị thương tích gì, cũng không bị nhiễm chất độc hóa học. Về quê, ông làm nông dân, dù tuổi cao nhưng sức vóc vẫn như thanh niên. Ông Rạng vốn không tin chuyện thánh thần, ma quỷ nhưng những sự kiện kỳ lạ diễn ra liên tiếp với gia đình cũng khiến ông không khỏi hoang mang và cố gắng lo chuyện cầu cúng, lễ bái. Một thời gian sau, ông Rạng có những biểu hiện lạ, tâm tính thay đổi, đôi khi rơi vào trạng thái vật vờ, ngờ nghệch rồi yếu dần. Thấy ông Rạng như vậy, gia đình hết sức lo lắng, liên tục đưa ông đi bệnh viện mỗi khi ông kêu mệt, hay tay chân run lẩy bẩy. Các bác sĩ làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp nhưng rốt cục vẫn không tìm ra căn nguyên bệnh tật từ cơ thể ông Rạng.
Thời gian này do sợ hãi và lo lắng nên ông Rạng cũng uống rượu nhiều hơn mặc dù trước đó hàng ngày ông chỉ uống 1 – 2 chén mỗi bữa. Và chỉ đúng 1 tháng sau ngày con trai mất, ông Trần Văn Rạng cũng đột ngột qua đời sau một cơn co giật cứng người giống hệt anh Viết.
Cái chết của ông Rạng khiến đại gia đình hoang mang cực độ. Con cháu ở khắp trong Nam, ngoài Bắc tụ họp về nhà. Lễ tang ông Rạng diễn ra long trọng, tiếng khóc lóc thảm thương của con cái khiến xóm làng rơi lệ.
Đám tang ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây – Kiến Xương – Thái Bình)
Tấn thảm kịch khủng khiếp trong 100 ngày ông Rạng
Dựng lại miếu thiêng
Kết thúc việc tang gia, ông Trần Văn Lưu, chú ruột ông Rạng đã mời thầy cúng giỏi có tiếng về. Ông này cho rằng việc xây nhà của anh Út liên quan đến việc phá bỏ ngôi miếu thiêng. Ngôi miếu này vốn là để trấn yểm long mạch. Việc phá vỡ ngôi miếu đã vô tình làm hỏng long mạch. Vậy nên ông thầy này đã yêu cầu gia đình lập tức dựng ngôi miếu nhỏ tại điểm ông chọn. Sau vài ngày xây dựng, ngôi miếu nhỏ cỡ 2 mét vuông đã được hoàn thành. Tại ngôi miếu ấy, ngày đêm vợ con ông Rạng hương khói nghi ngút. Chẳng biết việc khói hương có giúp những người trong gia đình này giữ được tâm hồn thanh tịnh hay không, nhưng những câu chuyện thần bí, và khói hương mờ ảo dường như càng làm cho lời đồn thánh thần nổi giận vật người ở ngôi làng thoi loi giữa cánh đồng này càng thêm khủng khiếp, rợn gáy.
Ngôi miếu thờ 3 mẹ con người ăn mày được dựng lại ở bờ ao
Đại tang xảy ra liên tiếp
Tuy nhiên việc xây dựng lại ngôi miếu có lẽ chẳng được ích lợi gì vì ngay trong hôm cúng 100 ngày mất ông Rạng cũng là ngày mà người dân xã Vũ Tây chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Ngày hôm đó, bà Nguyễn Thị Đào cùng con cháu ra đồng dẫy cỏ mọc lút gối ở mộ ông Rạng. Nhìn cảnh cỏ mọc trùm kín, lấp mất tấm bia nhỏ bà Đào nhớ và vô cùng tiếc thương cho người chồng của mình. Bà thắp nén nhang mong ông ra đi thanh thản, ngậm cười nơi chín suối đồng thời mời ông về ăn cơm cùng gia đình.
Hôm đó, cậu bé Trần Quốc Khánh mới 6 tuổi, con trai của anh Trần Văn Út và chị Vũ Thị Nhung cũng đi theo bà Đào ra mộ ông. Từ nhỏ, Khánh đã được ông Rạng chăm sóc và hết mực cưng chiều. Từ ngày ông mất, bé Khánh rất buồn, thi thoảng nhìn di ảnh ông nội, Khánh lại khóc đòi ông. Khi mời ông Rạng về, mọi người thắp hương ở mộ, Khánh cũng thắp hương cho ông, đòi ông về bế Khánh. Do nghĩa địa xâm xấp nước, lầy lội bùn đất dính lên quần áo, nên khi về Khánh được mẹ tắm rửa sạch sẽ. Khi mọi người đang thắp nhang cho ông Rạng tại nhà, bé Trần Quốc Khánh cũng ngồi xuống, chắp tay lạy ông. Tuy nhiên chưa nói câu gì, bé bỗng ngã lăn đùng ra chiếu co giật.
Hai bà cháu chết cùng một ngày
Anh Trần Văn Việt, một trong hai người con trai còn sống sót, nhớ lại: “Khi mọi người đang cúng, thì thằng Khánh bỗng ngã lăn ra chiếu, lên cơn co giật, sùi bọt ở mép, mắt cứ trợn lên. Cháu nó giống như bị ngạt thở, hoặc lên cơn đau tim đột ngột. Cháu không nói được gì. Chỉ vài phút sau, khi mọi người còn đang hoảng loạn, chưa biết tính toán thế nào, thì cháu đã tắt thở. Lúc đó, hàng chục người trong gia đình, rồi hàng xóm cũng lăn ra ngất xỉu hết. Tôi cũng lăn ra không biết gì nữa”.
Có một điều kỳ lạ xảy ra là ngoài Khánh còn có đến cả chục người lăn ra ngất, nhưng lát sau thì tỉnh lại hết. Riêng bà Đào, anh Út và vợ là chị Nhung bị nặng nhất. Cả 3 mẹ con bà Đào đều bị những cơn co giật rúm người, mặt mũi méo xệch, mắt trợn ngược, nhìn rất hãi hùng. Anh Út đang ngồi trên ghế mà cơn co giật mạnh đến nỗi bật ngửa ra sau bất tỉnh.
Mọi người vội vàng đưa bà Đào, anh Út, chị Nhung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên bà Đào chết trên đường đến bệnh viện. Còn anh Út và chị Nhung thập tử nhất sinh trong bệnh viện, phải thở ôxi.
Tang lễ bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh diễn ra trong không khí sầu thảm. Người dân trong xóm xót thương, rơi lệ, nhưng chẳng ai dám đến tiễn đưa. Người ta chỉ đứng từ xa nhìn đám con cháu họ Trần đẩy xe tang, khóc thương ai oán.
Đám ma của bà Đào và cháu Khánh diễn ra cùng một ngày
Khi mộ bà Đào đã đắp xong, mọi người làm lễ cúng cơm 3 ngày, thì chị Vũ Thị Nhung được xuất viện. Mọi người đưa chị về nhà để thắp nén nhang, quỳ gối trước di ảnh mẹ chồng và khóc ngất trước di ảnh cậu con trai duy nhất. Không để chị Nhung ở lại lâu, gia đình đưa ngay chị về nhà cha mẹ đẻ ở xã Vũ Đông để tránh thảm họa được đồn đại là “thánh vật” đang diễn ra thảm khốc tại nhà chồng. Những ngày ở nhà bố mẹ đẻ, dù vô cùng đau buồn vì cái chết của mẹ chồng, của cậu con trai duy nhất, rồi người chồng đang đấu tranh giành sự sống với tử thần ở bệnh viện nhưng chị Nhung không ngất lần nào. Thế nhưng, hễ cứ về nhà chồng là lập tức chị lại run lẩy bẩy, có dấu hiệu xảy ra hiện tượng bị co giật. Hãi quá, không ai cho chị về nhà nữa.
Cái chết thứ 5 của anh Trần Văn Út
Về phần anh Út, sau hơn nửa tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, anh đã được ra viện. Mọi người khuyên can anh nên về nhà vợ ở tạm, chờ thời gian nữa hãy về nhà mình nhưng anh Út không nghe. Anh bảo rằng nếu thánh thần nhất quyết bắt anh thì dù ở nhà vợ hay ra nước ngoài cũng sẽ bắt được. Anh muốn về nhà hương khói cho bố mẹ, anh trai và cậu con trai duy nhất. Chị Nhung thấy chồng nhất quyết về nên cũng can đảm theo chồng về nhà. Và mất mát tiếp tục diễn ra với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út sau đó ít ngày.
Bữa đó vợ chồng anh Út đang ngồi ăn cơm trên ghế thì anh Út bỗng nhiên làm rơi bát, co rúm người, ngã vật xuống đất và tắt thở, không kịp trăn trối câu gì. Chị Nhung nhìn chồng ngã vật ra đất cũng cứng đờ người, không há nổi miệng kêu cứu. Cấm khẩu độ mấy phút thì chị cũng bất tỉnh luôn. Mấy người thân trong gia đình đưa chị Nhung đi bệnh viện kịp thời nên cứu sống được chị. Nhưng anh Út chết quá nhanh nên không thể cứu nổi nữa.
Di ảnh của anh Trần Văn Út và cháu Khánh
Di ảnh biến dạng của anh Út làm mọi người liên tưởng tới con rắn
Công an, nhà khoa học, nhà tâm linh vào cuộc
Sau cái chết bất đắc kỳ tử của bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh, cùng hàng loạt người bất tỉnh nhân sự tại lễ cúng trăm ngày ông Trần Văn Rạng, thì đại gia đình và nhân dân xóm 9 (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) hoang mang tột độ. Không khí và khung cảnh ngôi làng thoi loi giữa cánh đồng khi đó quả thực vô cùng nghiêm trọng. Hàng trăm nhà tâm linh vào cuộc để giúp đỡ nhưng cũng không ngăn được thảm họa kinh hoàng.
Khoa học bó tay
Sự việc kỳ lạ này không còn giới hạn trong xóm 9, mà đã lan ra khắp tỉnh. Đích thân bà Hà Thị Lãm, khi đó đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã nhiều lần về tận nơi, chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng cùng vào cuộc, đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền để bà con an tâm sinh sống. Lực lượng công an cũng vào cuộc điều tra, truy tìm nguyên nhân những cái chết xảy đến với gia đình ông Trần Văn Rạng. Theo lời ông Nguyễn Văn Thung – Anh trai bà Đào (vợ ông Rạng), nhiều cán bộ an ninh đã túc trực ở nhà ông và nhà ông Rạng suốt ngày đêm để nắm tình hình. Có tới mấy chục nhà khoa học cũng vào cuộc. Các nhà nghiên cứu đã về tận nơi lấy mẫu vật đất xung quanh nhà, lấy nước trong bể, nước ở ruộng, nước giếng đem đi phân tích. Họ còn lấy rau cỏ trong vườn, ngoài ruộng, mẫu gạo, thóc trong nhà đem đi. Thậm chí, một nhóm nhà khoa học đã chuyển các mẫu đất ra nước ngoài để phân tích, tìm nguyên nhân, tốn kém cả tỷ bạc, số tiền rất lớn ngày đó. Ông Thung nhớ lại: “Hồi đó, ngày nào tôi cũng phải đón tiếp, trả lời mấy ông nhà khoa học. Họ cứ hỏi đi hỏi lại, vặn vẹo lung tung, đến nỗi tôi từ chối không muốn tiếp nữa. Có lúc tôi phải bảo các anh thông cảm, từ sáng đến chiều tôi cứ tiếp các anh, chưa được ăn miếng nào, tôi mà ngã ra đây, thì các anh cũng không tìm được nguyên nhân nào đâu, lại chỉ gây thêm hoang mang dư luận mà thôi”.
Vì quá sợ hãi nên ông Thung luôn mang theo con dao sắc lẹm bên mình
Thời điểm đó, cán bộ điều tra đã thu thập mấy miếng vỏ thuốc trừ sâu vứt ở bờ ruộng, cạnh nhà ông Trần Văn Rạng. Từ việc thu thập mẫu vật đó, mà người dân đồn ầm lên rằng có việc bỏ độc giết người do thù oán. Tuy nhiên, lời đồn này nhanh chóng bị loại bỏ. Cảnh sát điều tra không tìm ra nguyên nhân, động cơ gây án nào. Gia đình ông Rạng chỉ làm thuần nông, không có mâu thuẫn với ai trong làng ngoài xóm. Những vỏ thuốc trừ sâu chỉ là do người dân bỏ lại bờ mương khi pha thuốc phun ruộng lúa, đó là việc hết sức bình thường ở vùng quê lúa.
Trong quá trình diễn ra thảm kịch, các nhà khoa học cũng không tìm được bất cứ loại chất độc nào tồn tại trong mẫu nước, đất, rau, củ, quả ở nhà ông Rạng. Điều này cũng đã được các bác sĩ khẳng định lại bằng việc không tìm ra chất độc nào trong máu những nạn nhân tự dưng lăn ra ngất, co giật, chết. Tóm lại, những kết luận của bệnh viện trong quá trình điều trị cho các nạn nhân nhà ông Rạng, chỉ là suy nhược cơ thể, huyết áp không đều…
Rất nhiều chuyên gia, với máy móc hiện đại cũng đã được điều về nhà ông Rạng để đo phóng xạ khu vực sinh sống. Tuy nhiên, người ta cũng không phát hiện ra điều gì bất thường ở mảnh đất này. Nhiều chuyên gia phong thủy về đây còn khẳng định, mảnh đất với cây cỏ tốt tươi thế này thì không thể có tia đất xấu, phong thủy xấu. Trong con mắt của các nhà phong thủy, mảnh đất nhà ông Rạng có tới 2 mặt là cánh đồng, thoáng mát, sạch sẽ, trong lành, là chỗ đắc địa để sinh sống. Và cho đến tận hôm nay, các kiến thức, trí tuệ cũng đã đều bó tay trước những cái chết kỳ lạ này. Câu trả lời cho những cái chết xảy đến với gia đình ông Rạng vẫn được gia đình, xóm làng, kể cả chính quyền địa phương mong chờ. Không có được kết luận chính xác, thì người dân, với vốn hiểu biết chưa ra khỏi lũy tre làng, chỉ có thể đổ cho nguyên do “thánh vật”.
Không biết bấu víu vào đâu, đại gia đình ông Rạng chỉ biết trông chờ vào những ông thầy cúng, thầy bùa. Nhưng khi sự việc trở nên đình đám, họ Trần ở làng này không phải đi tìm thầy nữa, mà thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa, nhà ngoại cảm ở khắp cả nước tự đến tìm cách hóa giải kiếp nạn giúp gia đình.
Những nhà tâm linh kỳ lạ
Khi gia đình ông Rạng liêu xiêu, thì ông Nguyễn Văn Thung và ông Trần Văn Lưu là người đứng ra lo liệu mọi việc cho gia đình ông Rạng, kể cả mặt tâm linh. Ông Thung bảo, suốt thời điểm kéo dài cả năm trời, ông không nhớ nổi đã có bao nhiêu thầy bà đến giúp, có lẽ con số phải lên đến cả trăm người. Có những hôm, thầy cúng, thầy tâm linh nhiều đến nỗi ngồi kín nhà, tràn ra cả sân, vườn. Họ tự chuẩn bị lễ, tự lo ăn uống và làm việc thiện giúp gia đình, chứ gia đình ông Rạng khi đó người chết, kẻ bệnh, kinh tế cạn kiệt, không còn sức lực nào để lo cho những ân nhân đó nữa.
Trong số những ông thầy cúng, thì ông Thung ấn tượng với ông thầy Phương ở xã Vũ Đông. Ông này vốn được mời đến để lo phần âm giúp gia đình ông Rạng ngay từ những ngày đầu. Hôm trăm ngày ông Rạng, thầy Phương cũng được mời đến. Sau khi cúng bái, ông này tuyên bố hăng lắm. Ông nói, chỉ có ông mới trị được, không ai làm được chuyện này. Thế nhưng, ông vừa tuyên bố xong, thì hàng loạt người lăn ra bất tỉnh, người chết tại chỗ, người chết ở bệnh viện, người phải đi cấp cứu. Sau sự việc đó, ông Phương cũng quay lại làm tiếp. Ông lập đàn ngũ phủ 5 tầng, lễ bái ghê gớm ở ngôi miếu. Tuy nhiên, đang đốt nhang, lửa cháy đùng đùng, tin rằng sức mình không làm nổi, ông này bỏ chạy thoát thân, không dám quay lại nữa.
Sau khi bà Đào chết được vài hôm, thì mấy chục người đi trên một xe khách lớn đến tận nhà ông Rạng. Họ giới thiệu là hội tâm linh ở mãi Sài Gòn. Ông Thung cũng không biết vì sao họ nắm rõ thông tin về nhà ông Rạng. Họ không hỏi gia đình điều gì, cũng không làm phiền đến gia đình. Họ chỉ xin một chỗ trong sân để làm lễ. Ông Thung kể: “Tôi tiếp xúc với một người trong hội đó, thì họ bảo do bề trên yêu cầu họ về tận làng để giúp gia đình ông Rạng tai qua nạn khỏi. Mấy chục người ngồi thành hàng thành lối. Không ai nói câu gì. Họ tụng kinh hộ niệm hay giải nghiệp gì đó trong vòng 30 phút. Làm lễ xong, họ bảo gia đình cứ yên tâm sinh sống, từ này không phải lo lắng chuyện “ma hành, thánh vật” nữa. Họ đã giải hoàn toàn nghiệp chướng cho gia đình. Nói xong, họ ra xe rồi vào thẳng Sài Gòn. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao họ lại nhiệt tình như thế. Họ đi về vất vả mấy ngày trời chỉ để ngồi tụng kinh mấy chục phút. Nhưng rồi, công sức của họ cũng công cốc. Những người trong gia đình ông Rạng, rồi hàng xóm vẫn cứ lăn ra giãy đành đạch, người chết, người phải đi viện cấp cứu”.
Trong số các nhà tâm linh, còn có một người phụ nữ, là tiến sĩ, cô này được các đệ tử đi theo giới thiệu là đã có nhiều năm học ở Trung Quốc, chuyên trị tâm linh. Cô này dùng nhiều máy móc đo đạc, rồi ngồi trước ngôi miếu tập trung tư tưởng, gọi thần linh lên nói chuyện. Cách làm của cô này vừa mang tính khoa học, vừa tâm linh huyền bí. Suốt một ngày trời cô loay hoay làm lễ, cúng bái, nói chuyện với các đấng tối cao ở chỗ ngôi miếu sát bờ ao, nhưng rốt cục cũng chẳng mang lại kết quả gì.
Rồi một ông sư mặc áo vàng, từ mãi trong Nam ra. Ông này đến một mình, mang theo một chiếc chuông nhỏ, một chiếc coong đồng. Ông ngồi theo tư thế kiết già ở giữa sân. Trời nắng trang trang mà vị thiền sư này không thèm che ô, đội mũ, cứ ngồi dưới cái nắng như đổ lửa, rồi hơi nóng hầm hập bốc lên từ sân gạch. Nhiều người nhìn cảnh ấy mà xót xa, muốn đem ô, đem mũ, thậm chí dựng căn lều ở chỗ vị thiền sư ngồi, song ông từ chối. Ông yêu cầu gia đình không được giúp đỡ ông, cũng không được làm phiền ông, cứ coi như ông không có mặt ở mảnh đất này. Sau khi phơi nắng suốt một ngày, đến chiều trời nổi giông gió, mây đen ùn ùn kéo đến, rồi mưa như trút nước. Tuy nhiên, vị thiền sư với dáng người còm nhom vẫn ngồi bất động. Miệng ông niệm rất nhỏ, như thể chỉ để ông nghe thấy. Thi thoảng ông vươn tay gõ vào chiếc coong đồng kêu vang vọng. Nhiều người nhìn cảnh vị thiền sư dãi nắng dầm mưa mà không khỏi xót xa, rơi nước mắt. Nhiều người không vái thánh thần ở ngôi miếu, mà cứ xì xụp khấn vái vị thiền sư kỳ lạ nọ. Điều kỳ cục là ông cứ ngồi kiết già giữa sân như thế đến tận sáng hôm sau. Đến khoảng 9 giờ sáng, đúng thời điểm ông bắt đầu kiết già hôm trước, tức là đủ 24 giờ thì ông đứng dậy. Trong suốt thời gian đó, vị thiền sư này không ăn, không uống, cũng không nói với ai câu gì. Lúc ông hoàn thành công việc, ông cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Ông chỉ chắp tay vái chào những người trong gia đình, nói hai chữ “Mô Phật”, rồi quay gót đi. Ngoài đầu đường làng, chiếc xe con bóng lộn đã mở cửa sẵn chở vị thiền sư kỳ lạ này đi.
Hành động kỳ lạ của vị thiền sư, khiến mọi người đều nghĩ đó là một vị thánh. Ai cũng tin rằng, vị thánh đã đến đất này hóa giải mọi kiếp nạn. Nhưng thật trớ trêu, là sau khi vị thiền sư này đi, thì không những kiếp nạn trong đại gia đình ông Rạng không được hóa giải, mà tiếp tục diễn ra cái chết của anh Trần Văn Út. Sau một thời gian nằm Bệnh viện Bạch Mai, thấy sức khỏe hồi phục, nên các bác sĩ cho về. Về nhà hôm trước, hôm sau anh Út lăn ra đột tử.
Ngay sau hôm anh Út chết, thì một nhóm tâm linh gồm 40 người, là các Phật tử từ Hà Nội về, do một vị sư dẫn đầu. Cảm động với tấm lòng của các Phật tử, con cháu gia đình ông Rạng đã đề nghị mổ gà, làm cơm, nhưng họ đều từ chối. Họ chỉ nhờ gia đình nấu cho mấy nồi nước lã. Họ đề nghị gia đình không được giết con gì, không được sát sinh trong thời điểm họ tổ chức buổi tụng kinh và trong mấy ngày tới. Nhóm Phật tử này cứ ngồi như vậy đọc kinh từ chiều đến tận sáng hôm sau. Họ không ăn, cũng không ngủ, không nghỉ ngơi gì cả. Ông Thung kể: “Thấy mấy chục bà, người già, người yếu, mà ngồi tụng kinh từ chiều đến sáng hôm sau, tôi lo lắng lắm. Khuyên họ nghỉ ngơi, ăn uống không được, tôi mắng rằng, các thầy không ăn uống uống gì thì sống thế nào được. Nếu các thầy không chịu ăn uống, nhỡ lăn ra chết thì chúng tôi chôn sao cho xuể. Thú thực, lúc đó tôi cũng sợ họ lăn ra co giật, bất tỉnh. Từng ấy người mà bị một lúc, thì gia đình chúng tôi làm sao mà lo được”. Sáng hôm sau, họ bảo đã cúng xong, rồi đi luôn.
Vị “thánh” xuất hiện
Trong số những ông thầy cúng, thầy bùa, thầy pháp, nhà tâm linh, thì ông Nguyễn Văn Thung nhớ nhất ông thầy tên Khương. Ông Thung cũng không rõ ông này là thầy gì, nhưng trong suy nghĩ của ông và những người thân trong gia đình, có lẽ ông là một vị thánh, đã mượn thân xác một người bình thường, để tìm về làng hóa giải kiếp nạn cho đại gia đình ông Rạng.
Bữa đó, vào buổi chiều, có một người đàn ông chừng 40 tuổi, rất to béo, nhưng ăn mặc rách rưới, da ngăm đen, tướng tá đặc nông dân lam lũ. Thế nhưng, đôi mắt anh rất sáng, toát lên vẻ hiền từ. Gặp mọi người trong gia đình ông Rạng, anh này từ tốn bảo: “Thưa các thí chủ. Tôi không biết các thí chủ là ai, tên là gì, nhưng tôi biết rõ đại họa xảy đến với gia đình thí chủ. Thánh đã cử tôi phải trực tiếp về đây để giải quyết chuyện này”. Theo lời kể của người đàn ông giới thiệu tên là Khương này, thì anh ta quê ở mãi Bình Phước, giáp biên giới Campuchia. Gia đình anh này có mấy héc-ta trồng cao su cùng với 4 héc-ta trồng cam, quýt. Từ xưa đến nay, anh này vốn không tin những chuyện tâm linh, thậm chí, anh còn không thờ cúng gì cả. Sinh ra ở vùng núi non biên giới, mới về Sài Gòn đôi lần, chưa ra miền Bắc bao giờ, nên tỉnh Thái Bình ở đâu anh cũng chẳng biết. Thế nhưng, theo lời kể của anh, hôm đó, anh cùng gia đình đang tiến hành thu hoạch cam, trong giấc ngủ trưa chập chờn tại gốc cây bóng mát giữa rẫy cam, thì một vị “Thánh” râu tóc bạc phơ xuất hiện trước mặt rõ mồn một. Lúc đó, rồi cả sau này, anh cũng không giải thích được đó là giấc mơ, hay là sự thực hiển nhiên trước mắt. Khi anh đang ngủ, thì ông cụ xưng là “Thánh” này đánh thức anh dậy. Vị “Thánh” này nói: “Tôi là Thánh và tôi đề nghị anh phải lập tức ra Thái Bình giúp đỡ một gia đình đang gặp cảnh chết chóc thảm hại”. Anh Khương bảo: “Tôi có mấy héc-ta cam đang thu hoạch làm sao bỏ đi được? Với lại, tôi đầu tư hết tiền bạc vào vườn cam này, còn đang nợ nần chồng chất, một xu dính túi không có, thì làm sao đi xa thế được”. Ông cụ râu tóc bạc phơ này nói tiếp: “Anh cứ đi, sẽ có xe đưa xe đón, có người cho tiền để ăn”. Không biết lời kể của vị thầy pháp này có đúng không, nhưng theo anh ta thì hàng loạt điều kỳ lạ đã xảy ra. Khi anh ta ra khỏi rẫy, thì gặp một anh lái xe tải trong ấp có việc xuống Sài Gòn. Anh lái xe đã mời anh Khương cùng đi cho vui. Anh ta đã chở anh Khương đến tận bến xe Miền Đông. Anh này tìm xe khách về tận Thái Bình. Khi xe chuyển bánh, bà chủ xe, người thu tiền đã trò chuyện với anh. Anh này tâm sự thật về chuyện có một vị “Thánh” bảo cứ ra Thái Bình, để giúp một gia đình đang gặp đại nạn, chết chóc liên tục, chứ bản thân anh cũng chưa biết đi đâu. Nghe anh này kể vậy, bà chủ xe tái mặt. Hóa ra, bà chủ xe này là người ở xã Vũ Tây, biết rõ chuyện “ma hành, thánh vật” đang gây náo loạn trong tỉnh. Bà khẳng định rằng, “Thánh” hiển linh chỉ anh về xã Vũ Tây cứu giúp đại gia đình ông Trần Văn Rạng. Mặc dù đã chuẩn bị một chút tiền trong túi, nhưng khi trả tiền, bà chủ xe này nhất định không lấy. Không những thế, bà còn trả tiền ăn cho anh trong suốt hành trình. Bà chủ xe này nhất nhất xưng là con, gọi anh ta bằng cậu. Khi về đến bến xe Thái Bình, bà kêu xe ôm chở anh về tận nhà ông Rạng và trả tiền trước cho xe ôm. Bà cũng hẹn “cậu” có mặt ở bến xe vào mấy hôm nữa, để bà đưa “cậu” vào Sài Gòn, lo cho “cậu” về đến tận Bình Phước mà không mất bất cứ đồng nào.
Nghe câu chuyện về ông thầy pháp tên Khương này, ông Thung cũng như con cháu ông Rạng hết sức cảm kích. Anh này không đòi hỏi gì, cũng không yêu cầu gia đình phải phục vụ cơm nước. Theo lời anh ta, bình thường anh ăn rất khỏe, mỗi bữa 4 – 5 bát cơm không biết no, thế nhưng, thời gian ở nhà ông Rạng, anh từ chối mọi đồ ăn. Đến bữa, anh này chỉ hái mấy quả mướp ở vườn nhà ông Rạng luộc ăn, rồi lại ngồi kiết già, nhắm mắt nói bằng thứ tiếng mà không ai hiểu gì. Bản thân anh này, lúc tỉnh táo lại, cũng không biết anh đã nói gì. Anh bảo rằng, khi ngồi nhắm mắt, vị “Thánh” đã nhập vào anh, nói thay anh. Khi đó, anh không điều khiển được lý trí của mình. Theo kế hoạch mà vị “Thánh” kia sai bảo, thì việc cúng bái tại nhà ông Rạng phải diễn ra liên tục 3 ngày 3 đêm.
Tuy nhiên, đến buổi chiều ngày thứ 2, ông trưởng thôn Phạm Văn Đ xuất hiện trong tình trạng say xỉn. Ông trưởng thôn đã tuyên bố đuổi thẳng cổ tất cả thầy cúng, thầy pháp khỏi nhà ông Rạng, ra khỏi ngôi làng do ông quản lý. Ông thầy pháp tên Khương bảo: “Tôi làm việc nghĩa, không lấy đồng nào của gia đình, đến cả lễ lạt cũng tự tôi bỏ tiền sắm sửa, tôi cũng không làm phiền đến làng xóm, cớ gì anh đuổi tôi?”. Không bắt bẻ được gì, ông trưởng thôn bỏ đi. Tuy nhiên, lát sau ông quay lại với chiếc gậy trên tay. Ông trưởng thôn cứ cầm gậy chọc vào ông thầy pháp này. Đúng lúc đó, tại nhà ông Rạng xuất hiện thêm mấy nhà tâm linh nữa. Thế nhưng, ông trưởng thôn đã đuổi họ về hết.
Không thể tiếp tục cúng bái, thầy pháp tên Khương này buộc phải rời nhà ông Rạng. Anh ta đi bộ từ xã Vũ Tây lên bến xe Thái Bình. Một người con của ông Rạng đã phóng xe máy đuổi theo nhưng không kịp. Vị thầy pháp bí ẩn đã lên xe và đi mất.
Câu chuyện về ông thầy pháp này có lẽ sẽ không để lại nhiều dấu ấn, bởi trong thời gian đại gia đình ông Rạng diễn ra nhiều chuyện liêu xiêu, có tới cả trăm nhà tâm linh tìm đến giúp đỡ một cách tự nguyện, nếu không có chuyện mấy năm sau, vị trưởng thôn này qua đời một cách kỳ quái – như đồn thổi của người dân trong làng.
Cả chục người lăn ra bất tỉnh vì gặt lúa giúp
Đang bữa cơm, ông Thung bảo: “Tao uống rượu chưa bao giờ say, sao nay lạ thế nhỉ? Tao mới uống có nửa chén mà thấy mất thăng bằng là thế nào?”. Vừa nói xong câu đó, ông đổ vật ra giường. Ngay lập tức, 6 người đàn ông đang ngồi uống rượu trên giường cùng lăn ra co giật, mâm bát đổ lung tung. Dưới nền nhà, mẹ đẻ ông Thung, cũng lăn ra ngất. Mấy chị em phụ nữ chạy tán loạn. Có người chạy ra ngoài ngõ mới lăn ra ngất.
Sau khi anh Trần Văn Út đột tử tại nhà, thì trụ cột gia đình chỉ còn mỗi bà Phạm Thị Tâm và anh Trần Văn Việt, con trai duy nhất còn sống của vợ chồng ông Rạng. Khi đó, bà Tâm đã 77 tuổi, là mẹ nuôi ông Rạng. Anh Việt thì chưa có vợ con gì cả. Gia đình sợ hãi, nên sơ tán hết cháu chắt, không cho ai về nữa. Những người con gái của ông Rạng cũng ở hết nhà chồng, hoặc di chuyển đi nơi khác. Chị Vũ Thị Nhung, vợ anh Út về nhà bố mẹ đẻ ở xã Vũ Đông ở, còn vợ anh Viết thì đưa cậu con trai duy nhất trốn vào miền Nam trong một đêm mưa gió.
Sợ hãi cảnh tượng chết chóc, nên nhiều gia đình ở xóm 9 (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) đã bỏ hoang nhà cửa, trốn đi nơi khác. 5 hộ dân ở cạnh nhà ông Rạng đã dọn hết đồ đi, khóa cửa để đó. Phải thời gian khá dài sau, tình hình yên ổn, không xảy ra chết chóc nữa, họ mới tìm về.
Ngôi nhà ông Rạng cửa đóng then cài bỏ hoang đã nhiều năm
Đại gia đình họ Trần họp lại, bàn bạc và thống nhất nhờ 2 người làm trụ cột, qua lại giúp đỡ gia đình, gồm ông Nguyễn Văn Thung, là anh vợ ông Rạng và ông Trần Văn Lưu, là chú ruột của ông Rạng. Ông Thung là người ngoài họ Trần, nên không sợ bị “thánh vật”, còn ông Lưu thì tuyên bố: “Tôi cũng đã ngoài 70, chết cũng được rồi. Nếu thánh thần có vật tôi, tôi cũng chẳng có gì phải hối tiếc”.
Ban ngày, ông Thung làm việc ở nhà, tối sang nhà ông Rạng ở cùng với ông Lưu. Nhà ông Lưu ở ngay sau nhà ông Rạng. Ông Thung kể: “Tôi khỏe vía, nhưng thú thực trải qua từng ấy chuyện, nên cũng hãi lắm. Tôi thường ăn cơm từ lúc 5 giờ chiều, rồi 6 giờ qua nhà cô Đào. Đi lúc đó trời còn sáng cũng đỡ hãi”. Trong suốt những ngày ở nhà ông Rạng, vật bất ly thân với ông Thung chính là con dao vót nan dài quá nửa mét, vô cùng sắc bén, chỉ liếc dọc ống chân, lông rụng tơi tả. Lúc đi đường, ông kẹp dao vào nách, đêm ngủ ông gối dao trên đầu. Trong túi áo lúc nào cũng có một vốc tỏi… đuổi ma, cùng những mảnh bùa do thầy pháp làm cho.
Ban đêm, tự tay ông Thung đóng kín các cửa sổ, cửa chính. Thế nhưng, đang thiu thiu ngủ, ông Thung và ông Lưu bị đánh thức bởi tiếng cánh cửa sổ đập chan chát. Rõ ràng, ông Thung tự tay đóng cửa sổ. Cánh cửa được cài bằng móc thép rất chắc chắn, nên người bên ngoài không thể mở được. Hơn nữa, đêm khuya lặng thinh, không có tiếng gió xào xạc, vậy thứ gì khiến cánh cửa cứ vật vờ đóng vào mở ra chan chát? Cả ông Thung và ông Lưu đều hãi hùng, đùn đẩy cho nhau, không ai chịu trở dậy xem xét tình hình. Tiếng đập cửa mỗi lúc một lớn, một nhanh, không thể yên lòng được, nên ông Thung phải vác dao nhỏm dậy. Ông vừa đi về phía cửa sổ vừa trấn tĩnh mình bằng cách nói thật to: “Có cái cửa không đóng được chặt thì còn làm ăn được gì”. Rõ ràng ông là người đóng cửa, nhưng ông cứ nói đổng thế. Cài cửa rồi, không còn tiếng đập cửa nữa, nhưng hai ông thức chong chong, nhắm mắt mãi không ngủ được. Hai ông nằm nói chuyện đến 2 giờ sáng, thì ông Lưu đòi về. Ông Lưu bảo: “Thôi, ông nằm ở đây trông nhà cho chúng nó, tôi về nhà đây. Đêm qua tôi đã không ngủ, đêm nay mà thức trắng nữa thì quỵ mất”. Nói xong, ông Lưu bỏ về nhà mình. Ông Thung kể: “Có 2 người đã sợ, đằng này có mỗi mình thì còn hãi hơn. Thôi thì đâu cũng mất ngủ rồi, thì cho mất ngủ cả thể. Nhà có bóng điện nào tôi bật hết lên. Sau đêm hôm đó, tôi cứ bật điện sáng trưng, muốn hết bao nhiêu điện thì thây kệ nhà nó. Tắt điện thì sợ không ngủ được, còn điện sáng thì mình cũng chả ngủ được”.
Đồng loạt ngất xỉu
Sáng hôm sau, như kế hoạch đã định, 6 giờ sáng ông về nhà mình. Tại nhà ông, con cháu ông đã tụ tập đông đủ. Theo kế hoạch thì hôm đó ông Thung sẽ chỉ đạo việc gặt lúa cho nhà ông Rạng. Hơn mẫu ruộng nhà ông Rạng lúa đã chín vàng, nhưng nhà ông Rạng người chết, người bệnh, người bỏ đi, chẳng có ai làm thay cả. Ông Thung đã kêu gọi con cháu mình tụ họp gặt lúa, phơi phong, rồi chở thóc trả cho gia đình nhà ông Rạng. Sân vườn nhà ông Rạng rộng rãi, nhưng chẳng ai dám đến, nên mọi việc được thực hiện ở nhà ông Thung.
Tổng số có đến 20 người. Người gặt, người chở lúa. Đến gần trưa, lúa đã chất ngập nửa sân nhà ông Thung. Theo tính toán, đến chiều thì từng ấy người gặt xong cả mẫu lúa. Ông bà Thung ở nhà phụ trách bếp núc, nấu nướng. Theo kế hoạch, đầu giờ chiều, thợ gặt tiếp tục gặt lúa, vài người được phân công ở nhà phụ trách tuốt lúa. Mọi việc được gói gọn trong vòng một ngày, rồi ai về nhà đó.
Bữa trưa được dọn ra gồm 3 mâm cơm. Hai mâm bày dưới nền nhà, một mâm trên giường. Mâm đàn ông ngồi trên giường, còn phụ nữ ngồi dưới đất. Rượu được rót ra, mỗi người một chén. Ông Thung nâng chén rượu, uống được một nửa thì thấy người chếnh choáng. Ông bảo: “Tao uống rượu chưa bao giờ say, sao nay lạ thế nhỉ? Tao mới uống có nửa chén mà thấy mất thăng bằng là thế nào?”. Vừa nói xong câu đó, ông đổ ật ra giường. Ngay lập tức, 6 đàn ông đang ngồi uống rượu trên giường cùng lăn ra co giật, mâm bát đổ tung tóe. Những người này gồm anh Vĩnh – là con trai ông Thung, rồi anh Cảo – con rể ông Thung, cùng các cháu của ông Thung. Những người này đều khỏe mạnh, không ốm đau, không bệnh tật gì. Điều đặc biệt là họ không có liên hệ gì với gia đình ông Rạng. Dưới nền nhà, mẹ đẻ ông Thung cũng lăn ra ngất. Mấy chị em phụ nữ sợ hãi chạy tán loạn. Có người chạy ra ngoài ngõ mới lăn ra ngất. Tình trạng lúc đó ở nhà ông Thung vô cùng náo loạn, kinh khiếp. Làng trên xóm dưới người chạy đi, kẻ chạy lại rầm rầm. Ngất một lúc, thì ông Thung chợt hồi tỉnh, nhận biết được mọi việc xung quanh. Người ra người vào, người kêu khóc, người cấp cứu. Mùi dầu gió sực nức khắp nhà. Mặc dù ông là người đầu tiên rơi vào trạng thái kỳ cục đó, nhưng ông vẫn bình tĩnh mắng mọi người: “Chúng mày có trật tự đi không. Cứ náo loạn như thế thì làm được việc gì. Bình tĩnh gọi xe cấp cứu mau lên, chở đi viện không chết cả lũ bây giờ”.
Dặn dò, cắt đặt công việc cho mọi người xong, ông Thung chợt nhớ đến lời dặn của bà Hà Thị Lãm, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Bà Lãm dặn rằng, hễ có việc gấp gì xảy đến với gia đình ông Rạng, thì ông Thung cứ bấm số gọi trực tiếp, bà sẽ chỉ đạo sát sao mọi việc. Sự việc nhà ông Rạng khi đó được tỉnh quan tâm sát sao, nên ông Thung có thể điện thoại bất cứ lúc nào, không kể ngày đêm, khuya khoắt. Bấm điện thoại báo cáo tình hình với bà Lãm xong, thì ông Thung lại thỉu đi, không biết gì nữa.
Lát sau, xe con xe to, xe lớn xe bé, biển xanh biển đỏ, đỗ từ đầu ngõ nhà ông Thung ra mãi đường cái, tới vài chục chiếc. Tiếng xe cấp cứu hụ còi inh ỏi làng quê đang náo loạn vì sự kiện kinh hoàng này. Điều lạ lùng nhất với người dân là những người gặt lúa cho nhà ông Rạng đều là họ Nguyễn, không có dính dáng, liên quan gì đến họ Trần. Người dân đồn toáng lên rằng, chỉ vì những người này gặt lúa cho gia đình ông Rạng, mà bị thần thánh ở mảnh đất nhà ông Rạng quở phạt. Khi đó, lập tức lực lượng an ninh vào cuộc, phong tỏa hiện trường, giữ thông tin bí mật, để tránh hoang mang dư luận. Một cán bộ an ninh được phân công nằm vùng ở nhà ông Thung từ hôm đó. Hơn chục người đang co giật, bất tỉnh được đưa lên xe cấp cứu chuyển gấp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Các phương tiện cấp cứu đã chuẩn bị sẵn, các bác sĩ đầu ngành về chống độc, thần kinh được huy động từ Hà Nội về để can thiệp kịp thời, tránh để tình trạng mắc bệnh kỳ quái này lan rộng. Nhiều chuyên gia về bệnh lây truyền, virus cũng được điều đến hiện trường để tìm kiếm nguyên nhân khiến hàng loạt người tự dưng co giật, lăn ra ngất xỉu. Các mẫu thức ăn, rượu, nước uống ở nhà ông Thung cũng được các nhà khoa học niêm phong, đem đi nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chẳng phát hiện được chất lạ gì trong đồ ăn, nước uống, cũng không phát hiện được virus gì có khả năng khiến hàng loạt người cùng lăn ra ngất xỉu một lúc như vậy.
Ông Thung nằm ở bệnh viện 2 ngày thì sức khỏe hồi phục. Bác sĩ giữ lại để theo dõi, nhưng ông thấy sốt ruột nên nhất định đòi về. Đám con cháu ông, những người gặt lúa giúp gia đình ông Rạng, người nhanh thì 2 ngày sau xuất viện, còn lại đều nằm viện tới 1 tuần mới được về. Đám con cháu ông Thung sợ hãi chuyện này quá, nên đi hết chùa nọ, miếu kia thờ cúng, xin xỏ thần linh đừng vì chuyện gặt hộ nhà ông Rạng mà quở phạt. Ông Thung phải đích thân quát nạt, sai khiến đám con cháu còn khỏe mạnh, mới gặt nốt được ruộng lúa và xử lý đống thóc giúp nhà ông Rạng. Nếu không có sự nhiệt tình, cứng vía của ông Thung, thì cả mẫu lúa chín vàng nhà ông Rạng, có vứt đi cũng chẳng ai dám động vào.
Cho đến mãi về sau này, họ hàng, người thân, làng xóm, còn hãi hùng mảnh đất nhà ông Rạng đến nỗi, bất cứ thứ gì thuộc về nhà ông Rạng, đều không ai dám động vào. Cây xoài cổ thụ đến mùa hè, quả sai trĩu chịt chẳng ai dám hái. Những quả trứng gà mọng vàng trên cây, tự rụng xuống đất tỏa mùi thơm lừng không ai dám ăn. Hoa trái trong vườn nhà ông Rạng cứ tự đơm, tự rụng, chẳng ai dám màng đến.
Nhắc đến ao cá nhà ông Rạng, ông Thung tỏ vẻ tiếc nuối. Ngay cạnh mảnh vườn nhà 3 bố con ông Rạng, có một ao cá rất to. Ao nằm ngay cạnh cánh đồng, nước ra vào ăm ắp, nên nuôi cá lớn rất nhanh. Cá dưới ao toàn những con cá trăm 7-10kg, quẫy ủng oảng, rất thích mắt, nhưng chẳng ai dám câu kẹo, vét lưới hay đánh điện, mặc dù nhà ông Rạng chẳng còn ai ở, bỏ hoang cả nhà, ao, vườn.
Ngôi miếu thứ 2 được xây trước ngôi nhà dở dang của anh Út
Quay lại chuyện đại gia đình ông Thung có nhiều người ngất xỉu. Sau khi ra viện, dù đêm xuống, nhưng ông Thung đã ngay lập tức chạy đến nhà ông thầy Mơ. Gặp ông Mơ, ông Thung bảo: “Tình hình nghiêm trọng quá rồi thầy ơi. Gia đình tôi mà không cúng bái tử tế thì phen này chết cả đống”. Ông thầy Mơ bảo: “Thánh thần quở phạt gia đình ông Rạng, chứ nhà ông có liên quan gì đâu. Ông cứ yên trí mà về, sớm mai tôi sẽ xuống nhà làm lễ xin cho tai qua nạn khỏi”.
Hôm sau, ông thầy Mơ xuống làm lễ. Khi đó, đại gia đình ông Thung có 6 người đang nằm viện, sống chết thế nào chưa biết, nên rất lo sợ. Ông thầy Mơ lập đàn cúng bái ở giữa sân, rồi trong nhà ông Thung. Làm lễ xong, ông Mơ tiếp tục sang nhà ông Rạng cúng bái tiếp. Hôm đó, cũng có mấy nhà tâm linh đang làm lễ ở ngôi miếu nhà ông Rạng. Cúng xong, ông thầy Mơ này cùng với một số nhà tâm linh có mặt đề nghị gia đình ông Rạng xây lại ngôi miếu, chứ ngôi miếu xây ở bờ ao không hợp phong thủy, không đúng ý thần linh. Đích thân ông Mơ cùng mấy thầy pháp tiếp tục chọn đất. Có người còn chắp tay nói chuyện với thinh không, nhưng xong việc rồi, họ tiết lộ rằng họ vừa thỉnh thần linh, thổ địa lên tiếp kiến. Cuối cùng, mấy ông thầy pháp cùng thống nhất xây tiếp ngôi miếu nữa ở sát bức tường, đối diện ngôi nhà mái bằng đang xây dở của anh Trần Văn Út. Ngôi miếu này được xây giống hệt ngôi miếu đã phá, cách nền ngôi miếu đã phá khoảng 5m. Mặt tiền miếu quay thẳng vào nhà anh Út. Không gian giữa ngôi miếu và ngôi nhà là cái sân rộng rãi, sạch sẽ.
Ngôi miếu thứ 2 được dựng lại trước ngôi nhà xây dở của anh Út
Các nhà tâm linh đều khẳng định, nếu xây lại ngôi miếu thì đại gia đình ông Rạng sẽ tai qua nạn khỏi. Nếu không, thánh thần sẽ tiếp tục bắt người trong gia đình ông Rạng để trừng phạt. Lúc đó, không ai dám nghi ngờ lời phán của các thầy pháp. Thế là vài hôm sau, thợ xây được gọi đến và ngôi miếu mới đã hiện diện trong sân nhà anh Trần Văn Út. Vậy là, phá một ngôi miếu, nhà ông Rạng phải đền tới 2 ngôi.
Tuy nhiên, giông bão vẫn không ngừng xảy đến với đại gia đình ông Trần Văn Rạng. Chỉ đến khi bà Nguyễn Thị Tâm, mẹ ông Rạng, người cuối cùng còn sống ở “mảnh đất dữ” này, về với tổ tiên, thì mọi oan trái cuộc đời mới chấm dứt.
Cái chết cuối cùng khép lại bi kịch bí ẩn của đại gia đình
Để độc giả hình dung lại được những bi kịch xảy đến liên tiếp với đại gia đình ông Trần Văn Rạng (Xóm 9, Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình), chúng kể lại tuần tự vài dòng về loạt bi kịch này: Sau khi phá ngôi miếu ở vườn để xây dựng ngôi nhà, thì anh Trần Văn Viết, con trai ông Rạng – bà Đào bỗng đãng trí, lẫn lộn, thường ngủ li bì, rồi chết sau một cơn co giật cứng người. Anh Viết chết vào tháng 3, thì đến tháng 5, ông Trần Văn Rạng rơi vào trạng thái bị co giật tương tự, rồi chết sau một cú sốc, dù đã được bệnh viện chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ không tìm được nguyên nhân, nên chỉ có thể kết luận là tai biến mạch máu não. Đến trăm ngày ông Rạng, khi mọi người đang thực hiện lễ cúng, do ông thầy cúng chủ trì, thì bất ngờ hàng loạt người trong gia đình ông Rạng đột nhiên lăn ra co giật, miệng sùi bọt, bất tỉnh nhân sự. Cả nhà anh Trần Văn Út (anh út là con trai thứ 3 của ông Rạng), gồm anh Út, vợ là Vũ Thị Nhung, cùng cháu Trần Quốc Khánh đều bất tỉnh nhân sự. Điều đau xót là cháu Khánh, con trai duy nhất của anh Út, cháu nội ông Rạng đã mất tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Rạng, mẹ anh Út cũng lăn ra co giật đúng hôm trăm ngày chồng. Bà Đào mất tại bệnh viện, cùng ngày với cháu Khánh. Anh Trần Văn Út được chăm sóc ở bệnh viện Bạch Mai rất chu đáo, nhưng ra viện hôm trước, hôm sau anh đột ngột qua đời. Tất cả những cái chết này đều được kết luận là mắc hội chứng não cấp. Bác sĩ Phạm Duệ, khi đó là Phó trưởng Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tin rằng hiện tượng này là ngộ độc bởi loại hóa chất gây co giật. Tuy nhiên, tất cả các xét nghiệm đều không tìm ra loại chất độc nào gây nên triệu chứng chết người, mặc dù quá trình họ nằm viện cứ lúc tỉnh lúc mê, là trạng thái của những người trúng độc nặng.
Sự kiện hàng loạt người lăn ra co giật, chết chóc trong bữa cúng trăm ngày của ông Rạng thực sự sốc với toàn thể họ Trần cũng như dân làng. Con cháu họ Trần ở trong vùng được sơ tán khỏi “vùng nguy hiểm”. Cháu Trần Văn Bảo, con trai anh Viết, đã được mẹ đưa thẳng vào Nam trong đêm, để tránh khỏi mảnh đất đầy đau thương, chết chóc. Chị Vũ Thị Nhung, vợ anh Út cũng không dám trở về nhà chồng nữa. Thậm chí, các hộ dân xung quanh, dù không có họ hàng gì với gia đình ông Rạng, cũng dọn đồ đạc chuyển đi nơi khác sinh sống. Mảnh đất rộng mênh mông, với tổng số 3 ngôi nhà khang trang, cùng 3 căn nhà ngang rộng rãi của đại gia đình ông Rạng chỉ còn mỗi bà Phạm Thị Tâm, khi đó đã 77 tuổi trụ lại. Con trai, con dâu, cùng các cháu, chắt đều đã vong mạng, khiến lòng bà đau như cắt. Dù sợ hãi lắm, nhưng bà là người còn lại duy nhất của gia đình, nên phải ở nhà để khói hương. Người đi về giúp đỡ bà Tâm là ông Nguyễn Văn Thung và ông Trần Văn Lưu. Chỉ có 3 con người già cả đó dám đối diện với cái chết tưởng như đang cận kề trước mắt. Họ hàng ngày lo hương khói cho những người đã khuất, tiếp đón các nhà tâm linh ở khắp nơi về, trả lời hàng ngàn câu hỏi của các nhà khoa học, quan chức, lực lượng công an,….
Vào ngày 1-10, đúng một tháng sau hôm trăm ngày ông Rạng, sau đúng một tháng đám con cháu của bà nhất loạt lăn ra đất giãy đành đạch, thì bà Phạm Thị Tâm đã bị vận hạn ghé thăm. Theo lời ông Nguyễn Văn Thung, hôm đó là buổi sáng, bà Tâm đang ăn cơm cùng 2 đứa cháu, thì bà kêu khó chịu, chân tay run lẩy bẩy, sùi bọt mép rồi rơi vào trạng thái co giật toàn thân y như con cháu. Gia đình đã khẩn cấp đưa đi Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
Cũng theo lời ông Thung, bà Phạm Thị Tâm, còn gọi là bà Khuê, vì có chồng là ông Trần Văn Khuê. Ngày đó, nhiều người thắc mắc, không hiểu sao, bà Tâm là mẹ ông Rạng, nhưng lại chỉ nhiều hơn ông Rạng có 12 tuổi (Khi đó bà Tâm 77 tuổi, ông Rạng 65 tuổi). Thực ra, bà Tâm là thím của ông Rạng. Bà Tâm là người xã Vũ Lạc, lấy ông Khuê, nhưng không có con. Ông Khuê mất sớm, bố mẹ ông Rạng cũng mất sớm, nên ông Khuê nuôi dưỡng ông Rạng từ bé và coi ông như con ruột của mình. Vợ chồng ông Rạng từ trong sâu thẳm đã coi bà Tâm là mẹ và các cháu coi bà Tâm là bà, các chắt coi là cụ. Thậm chí, người dân trong vùng cũng không biết gia cảnh ông Rạng và bà Tâm, nên họ mặc định là mẹ con. Họ cũng xưng hô là mẹ con, chứ không phải thím cháu.
Bà Tâm được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Các bác sĩ phải luồn ống nội khí quản để bà Tâm thở dễ dàng, nhằm tìm cách bảo toàn tính mạng cho bà, tiếp tục điều tra nguyên nhân khiến bà rơi vào trạng thái co giật nguy hiểm.
Sau mấy ngày điều trị, bà Tâm đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Bà đã được đưa về phòng theo dõi. Bệnh viện bố trí một phòng riêng để tiện giám sát, cũng là để lãnh đạo đến thăm. Gia đình phân ông 2 người lên trông coi là em dâu Bùi Thị Hợi (bà Hợi khi đó 69 tuổi, ở xã Vũ Lạc) và bố vợ anh Trần Văn Út là ông Vũ Văn Bình (ông Bình lúc đó 52 tuổi, quê xã Vũ Đông). Tuy nhiên, hai người này vừa lên trông bà Tâm được vài tiếng, thì bỗng bủn rủn tay chân, rồi lăn ra bất tỉnh, chân tay co giật đùng đùng ngay tại giường bệnh. Thế là hai người lên trông nom bà Tâm lại tiếp tục nhập phòng cấp cứu. Điều kinh dị xảy ra ngay sau hôm hai người trông nom bà Tâm phải cấp cứu, đó là Bệnh viện Đa khoa Thái Bình tiếp tục đón gần chục bệnh nhân có biểu hiện tương tự, được chuyển lên từ nhà ông Thung, khi họ gặt lúa cho đại gia đình nhà ông Rạng.
Mặc dù các bác sĩ khẳng định bà Phạm Thị Tâm đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng, sau đúng 20 ngày điều trị, theo dõi thận trọng, bà Tâm đã qua đời sau một cơn co giật bất ngờ, ngay trên giường bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thung vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm đó: “Cái ngày bà Tâm chết vẫn ám ảnh tôi đến hôm nay. Hôm đó, khoảng 5 giờ chiều, nghe tin bà Tâm chết, cả gia tộc họ Trần bỏ chạy tán loạn, không ai dám đến nữa. Dân làng thì không ai dám lại gần nhà ông Rạng, chứ đừng nói chuyện vào nhà. Những người dân gần nhà ông Rạng thì đã bỏ đi hết. Các nhà tâm linh, người chào thua, người cũng không dám đến nữa, vì họ cúng bái mãi mà không có tác dụng gì. Hôm đó, chỉ có mỗi tôi và ông Lưu trực chiến ở nhà ông Rạng. Xe cấp cứu đỗ ở đầu ngõ, bác sĩ và lái xe đeo khẩu trang kín mít đẩy xác bà Tâm vào nhà. Mặc dù bà Tâm đã chết, nhưng họ vẫn đeo mặt nạ thở ôxi. Đưa xác bà Tâm vào nhà, bác sĩ tháo mặt nạ, rồi bỏ đi. Lúc đó, nhìn cảnh giữa sân rộng rãi, chẳng có ai, tôi hãi quá, nên cũng bỏ về, mặc kệ ông Lưu. Nhà họ Trần còn đông người, con cháu bà Tâm cũng đông, mà chẳng ai dám đến, thì tôi hà cớ gì phải ở lại. Nói thì nói vậy, nhưng quả thực tôi sợ ở đó thì mình cũng bị vật ngay thôi.
Tôi về nhà một lúc thì ông Lưu chạy sang nhà tôi, đề nghị tôi sang trông nom xác bà Tâm cùng ông ấy. Tuy nhiên, tôi từ chối, tôi bảo trông nom hương khói cho bà Tâm không phải trách nhiệm của tôi, bà Tâm là con dâu họ Trần, chẳng có liên quan gì đến tôi cả. Con cháu bà ấy còn sống, thì chúng nó phải có trách nhiệm lo lắng chứ, sao lại tìm tôi. Nghe tôi nói vậy, ông ấy bỏ về. Đến 9 giờ tối, ông ấy lại mò sang tìm tôi. Ông Lưu bảo, có mỗi mình ông, ông sợ quá, nên nhờ tôi sang giúp. Tuy nhiên, tôi cũng sợ, nên nhất định không sang. Nhờ vả không được, ông Lưu đứng ở cổng chửi bới. Ông bảo, tao còn mỗi cái xác già, sợ đếch gì. Thánh thần có bắt tao thì cứ trói tao vào mà đánh, đánh chết thì tôi. Chửi đổng mấy câu rồi ông ấy về. Cả đêm hôm ấy, có mỗi xác bà Tâm đắp chiếu và ông Lưu trong nhà ông Rạng. Ông Lưu cứ sang thắp hương cho bà Tâm, rồi lại bỏ về nhà mình”.
Bàn thờ ngập di ảnh của những người trong gia đình ông Rạng
Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây nhớ lại: “Sau cái chết của bà Tâm, thì quả thực dân làng vô cùng hoang mang. Con cháu cũng không dám đến làm tang ma cho bà Tâm. Thấy tình hình căng thẳng, và lại quá tủi phận cho bà Tâm, nên anh Bùi Văn Vượng, khi đó là Chủ tịch UBND xã, đã chỉ thị cho đóng cửa UBND xã, không làm việc nữa, và yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của xã phải đến nhà ông Trần Văn Rạng làm tang lễ, đưa bà Tâm ra cánh đồng. Khi đó, lòng dân hoang mang, đồn đại dị đoan ghê lắm, nếu chúng tôi không bạo gan đứng ra làm việc đó, thì làm sao nói được dân chúng, với lại lấy ai làm tang ma cho bà Tâm. Nói thật, khi đó anh chị em cán bộ xã cũng run lắm, nhưng đây không chỉ là góc độ tình cảm, mà còn là nhiệm vụ chính trị, nên không ai được lảng tránh”.
Cái chết của trưởng thôn và ông Lưu
Để thực hiện loạt bài giải mã những cái chết bí hiểm liên quan đến gia đình ông Trần Văn Rạng, chúng tôi đã phải gặp gỡ nhiều nhân chứng, cán bộ địa phương, những người trong gia tộc họ Trần. Tuy nhiên, khi tôi đề xuất vào khu nhà ông Rạng, thì mọi người đều lắc đầu từ chối. Sau nhiều lần thuyết phục, thì ông Nguyễn Văn Thung vác theo con dao dài, sang nhà bà Nguyễn Thị Đào (bà Đào vợ ông Trần Văn Lưu, chứ không phải bà Đào vợ ông Rạng). Ông Thung thỏa thuận rằng, nếu bà Đào dẫn sang, thì ông mới dám sang nhà ông Rạng.
Sau khi thắp nhang ở nhà mình, bà Đào dẫn chúng tôi sang nhà ông Rạng. Khung cảnh hoang tàn hiển hiện trước mắt. Cơn bão Sơn Tinh đổ về Thái Bình năm ngoái quật cây cối đổ nghiêng ngả. Mái ngói căn nhà ngang của ông Rạng và nhà anh Út bay mất mái. Toàn bộ nhà trên, nhà dưới của anh Viết cũng trơ lại tường. Cỏ mọc lút gối, dây leo chằng chịt, lấp mất lối vào nhà anh Viết. Tôi vạch dây leo tìm vào nhà anh Viết, song càng đi càng tù mù, không thấy đường đâu cả, nên phải quay ra. Từ nhà ông Rạng, có con đường mòn lát gạch dẫn sang nhà anh Út, với 2 lối nhỏ dẫn ra 2 ngôi miếu được xây lại theo chỉ dẫn của thầy bói. Hai ngôi miếu cũng hoang lạnh, với vài chân hương vung vãi. Cạnh ngôi miếu là ao nước rộng mênh mông, nhưng bèo trùm kín, không hở chút mặt nước nào. Mọi thứ đều hoang tàn, đổ nát, như thể bị lãng quên lâu lắm rồi.
Khu vườn bỏ hoang của nhà ông Rạng, cỏ mọc um tùm
Tôi tiến đến cửa chính nhà ông Rạng, gọi bà Đào mở cửa, thì bà Đào mới kêu quên chìa khóa. Bà tất tả chạy về, để tôi và ông Thung ở lại. Tôi vén bức rèm che cửa chính, nhìn vào trong nhà, thấy không có đồ đạc gì. Tấm vải đỏ che lấp lửng bàn thờ bày biện trên mặt chiếc tủ nằm, lộ ra ngót chục di ảnh mốc meo, loang lổ, mạng nhện chăng kín. Chỉ có duy nhất bát hương được tận dụng từ ấm pha trà, với vài chân hương đổ nghiêng ngả. Một cảnh lạnh lẽo, hoang tàn đến đau xót.
Trong lúc chờ bà Đào về tìm chìa khóa, tôi tiến lại chỗ chiếc cửa sổ, nơi mà ông Thung kể rằng, ngày trước ông đang ngủ, hai cánh cửa này tự bật tung, va đập chan chát, mà không có chút gió nào. Tôi vừa chạm vào cánh cửa, thì rầm một cái, cánh cửa bật tung, rơi xuống đất. Ông Thung hoảng hồn, tái mặt, nhưng tôi không thấy sợ hãi gì. Cánh cửa sổ lâu ngày không sử dụng, nên dây cột cửa đã mục, rơi ra cũng là điều dễ hiểu.
Bà Đào là vợ thứ 2 của ông Lưu. Quê bà ở xã bên. Ông Lưu là chú ông Rạng. Vợ ông Lưu mất từ năm 50 tuổi. Chồng bà Đào thì bỏ vào Nam lấy vợ khác. Cùng cảnh ngộ đơn thân, nên bà Đào về làm dâu họ Trần. Mặc dù mới 60 tuổi, song bà Đào có địa vị cao trong dòng họ Trần ở làng. Theo lời bà Đào, làm tang lễ cho bà Tâm xong, ông Lưu đi cúng bái gớm lắm. Khi đó, chỉ có mỗi ông Lưu hương khói, chăm lo cho bàn thờ gia đình ông Rạng và hương khói ở hai ngôi miếu. Ngày rằm, ngày giỗ, ông cúng 3 bát cơm ở miếu. Cúng xong, ông đổ một bát cho con vịt ăn. Con vịt này đẻ một đống trứng ở gốc cây. Sau thì nó làm ổ và ở luôn trong hầm của ngôi miếu. Chính vì thế, chẳng ai dám động vào con vịt này.
Ông Thung dẫn tôi ra ngôi miếu ở sát bờ ao, chỗ bụi tre và cây sung lớn. Chỉ 2 bát hương trong miếu, ông Thung kể: “Hồi gia đình ông Rạng chết hết, tôi và ông Lưu vẫn dẫn một bà thầy cúng đến. Bà này thấy có tới 11 bát hương, nên lắc đầu bảo thờ thế này không được. Ngày đó, gia đình sợ hãi, lại lắm thầy nhiều ma, nên cứ bốc bát hương bừa bãi đặt vào miếu, thờ đủ các thần thánh. Bà này bảo, có tới 11 bát hương thì biết cúng ông thần nào, chỉ nên thờ Thổ Địa và long mạch thôi. Bà này thắp hương, cúng bái nói rằng “Vị nào không nằm trong phạm vi thờ cúng thì tôi mời đi chỗ mát mẻ (giải mát, thả xuống sông)”. Xin xong, bà này gieo âm dương được ngay. Cứ mỗi lần gieo âm dương được, thì hạ xuống 1 bát hương. 9 lần gieo, được cả 9, nên hạ 9 bát xuống. Tuy nhiên, khi còn lại 2 bát, thì gieo tới 20 lần không được. Lần gieo thứ 20, bát hương bốc cháy đùng đùng. Sợ quá, nên bà thầy cúng này phải để lại 2 bát”.
Theo lời bà Đào, ông Lưu đã đi xem bói ở nhà một ông ở huyện Đông Hưng. Ông thầy này phán rằng, cái chết của bà Tâm chưa phải đã chấm hết, mà người chủ sẽ là người cuối cùng bị vật. Ông thầy bói này ám chỉ “người chủ” chính là ông Lưu, người đứng đầu họ Trần, là chú ruột ông Rạng, cũng là người thay mặt ông Rạng đứng ra làm chủ, lo lắng mọi việc cho con cháu ông Rạng. Chẳng hiểu lời ông thầy bói đó có đúng không, nhưng 2 năm sau khi bà Tâm mất, ông Lưu cũng ra đi vì bạo bệnh. Mặc dù ông Lưu qua đời vì bệnh tật, tuổi già, nhưng bà Đào cũng như dân làng nơi đây, đều liên hệ cái chết của ông với câu chuyện đầy bi kịch nhà ông Rạng.
Như vậy, lần lượt 6 người trong gia đình nhà ông Trần Văn Rạng đã ra đi mà không ai biết rõ nguyên nhân là gì. Sau vụ việc này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhà tâm linh, bác sĩ cũng như các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, nguyên nhân dẫn đến cái chết bí ẩn của 6 người nhà họ Trần tại xóm 9, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vẫn còn là một ẩn số mà chưa có lời giải đáp.