Máy bay Su-22 số hiệu 5880 rơi xuống khối phố Bình Ninh, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, khi đang bay huấn luyện, sáng 9/1.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xác nhận có máy bay quân sự rơi tại địa phương. Hiện Ban chỉ huy quân sự đã xuống hiện trường.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h15, một máy bay quân sự bất ngờ rơi xuống khu đất trống khu vực khối Bình Ninh (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trước khi máy bay rơi xuống đất thì phi công đã nhảy ra ngoài.
Hiện trường nơi chiếc máy bay bị rơi.
Chiếc máy bay rơi xuống khu đất trống gần đó rồi phát nổ.
Một phần xác của máy bay vẫn đang bốc khói sau khi rơi xuống khu đất.
Hơn 11h, một người dân đang làm cỏ lạc ngoài đồng bỗng nghe tiếng rít của máy bay trên trời. Nhìn lên, anh thấy vệt khói dài và máy bay đang lao nhanh từ hướng biển vào. Sau đó vài giây, một chiếc dù được bung ra, giúp phi công thoát khỏi máy bay trước khi nó rơi xuống.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Quốc (37 tuổi) đang xem tivi ở gian nhà trên thì nghe tiếng nổ, sau đó ngói từ mái nhà rơi xuống. Vội vàng chạy ra xem, anh thấy mái gian nhà trên bị máy bay va quệt làm ngói rơi lả tả, trong khi tường và mái gian nhà dưới kế đó đổ sập. Máy bay rơi tại khu đất trống cách nhà anh chỉ vài chục mét, khói bốc lên nghi ngút, mảnh vỡ văng nhiều nơi. “Cả gia đình ngồi ăn trưa ở gian nhà dưới, vừa lên nhà trên ngồi xem tivi thì máy bay lao xuống”, anh Quốc nói, cho hay gia đình may mắn thoát nạn trong gang tấc.
Nói với VnExpress, thượng tá Đoàn Thế Sơn, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không Không quân, cho biết khi phát hiện gặp sự cố, phi công đã đưa máy bay vào vị trí an toàn và nhảy dù trước khi chiếc Su-22 rơi. Hiện lực lượng chức năng không ghi nhận thiệt hại gì về người.
Tại hiện trường, đầu và đuôi máy bay rơi cách nhau khoảng 200 m. Các mảnh vỡ vương vãi khắp nơi, cày xới một mảnh vườn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, 54 tuổi, bị mảnh vỡ máy bay bay trúng đầu khi đang chặt chuối phía sau nhà. Ông Hùng bị chảy nhiều máu, được người dân chở đến Bệnh viện Vĩnh Đức cấp cứu.
Xe cứu hỏa, cảnh sát chữa cháy, xe cứu thương cùng lực lượng chức năng đã mặt ở hiện trường xử lý sự cố. Công an, quân đội, dân quân tự vệ căng dây, chốt chặn các ngả đường, lối vào khu vực máy bay rơi. Người dân trong khu vực phong tỏa được yêu cầu đóng cổng, không ra ngoài.
Các mảnh vỡ đã được thu gom, tập kết ở khu vực đuôi máy bay.
Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận Su-22M/UM năm 1979. Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Loại máy bay này thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.