Trong vụ án mà bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị truy tố, ông Huỳnh Uy Dũng cũng được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do đó, dù con trai bà Hằng không có đơn thì hành vi của ông Dũng vẫn sẽ được làm rõ trong phiên tòa để xác định ông này có vi phạm pháp luật hay không.
Theo thông tin từ Báo PLO, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa chuyển đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) đến Công an TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, ông Tuấn đã gửi đơn với nội dung tố giác ông Huỳnh Uy Dũng đã có hành vi lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lên Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Trong đơn, ông Tuấn cho rằng ông Dũng là người có vai trò cầm đầu, tổ chức, cùng thực hiện hành vi, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức về vật chất, tinh thần với bà Phương Hằng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Cụ thể như: Tham gia một số buổi livestream và có hô hào, khích lệ, ủng hộ tinh thần bà Hằng khi mắng chửi, xúc phạm người khác; cho sử dụng trường đua chó, đua ngựa của Công ty CP Đại Nam để tổ chức có đặt tên chó đua, ngựa đua với tên của những người muốn xúc phạm; cho sử dụng kênh Youtube Trường Đua Đại Nam để đăng tải phát trực tiếp hơn 86 buổi livestream, nhiều bình luận và hơn 18.000.000 lượt xem.
Phân tích tình huống này, Tiến sĩ, luật Đặng Văn Cường- Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, việc con trai riêng của bà Hằng tố cáo ông Dũng vào thời điểm vụ án sắp được xét xử là chuyện cũng khá bất ngờ với nhiều người. Tình huống này khiến cơ quan chức năng phải xem xét làm rõ xem có đủ điều kiện để thụ lý thành một tin báo riêng hay không.
Dưới góc độ pháp lý thì tố cáo, tố giác tội phạm là quyền của công dân. Công dân có quyền tố giác tội phạm nhưng cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến nội dung đơn thư, tài liệu mà mình cung cấp cho cơ quan điều tra. Nếu đơn thư tố cáo, tố giác có căn cứ, có dấu hiệu tội phạm mà chưa được cơ quan nào thụ lý giải quyết thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo để tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp đơn thư tố cáo, tố giác không có căn cứ hoặc đã, đang được giải quyết theo thủ tục khác thì trong quá trình phân loại đơn thư, cơ quan chức năng cũng có quyền từ chối thụ lý tin báo.
Trong vụ án mà bà Hằng và các đồng phạm đang bị truy tố thì ông Huỳnh Uy Dũng cũng được tòa án triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vai trò của ông Dũng như thế nào trong vụ án này sẽ được tòa án làm rõ trong quá trình xét xử vụ án. Theo những thông tin đã được công khai, đặc biệt là nội dung thể hiện qua kết luận điều tra và cáo trạng cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án này thì cơ quan điều tra cũng đã triệu tập, thu thập các tài liệu chứng cứ để xem xét hành vi, vai trò của ông Dũng. Các cơ quan tố tụng cũng đã kết luận, có quan điểm đối với hành vi của ông Dũng. Tòa án cũng sẽ làm rõ hành vi vai trò của ông Dũng trong phiên xử tới đây.
Trường hợp kết quả xét xử sơ thẩm xác định ông Dũng có hành vi vi phạm pháp luật với vai trò đồng phạm thì tòa án sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tách, rút tài liệu để xem xét xử lý đối với ông Dũng theo quy định pháp luật.
Còn trường hợp cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều xác định ông Dũng chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ không đề cập xử lý hình sự.
Chính vì vậy rất có thể đơn thư tố cáo của con bà Hằng sẽ không được xem xét thụ lý tin báo. Trong quá trình phân loại đơn thư thì cơ quan chức năng có thể sẽ trả lời là vụ việc đang được Tòa án giải quyết và sẽ chuyển đơn cho tòa án xem xét trong quá trình xét xử vụ án này.
Về nguyên tắc, một vụ việc chỉ được xem xét giải quyết một lần theo trình tự thủ tục luật định. Nếu cơ quan chức năng đang xem xét giải quyết thì cơ quan khác có quyền từ chối. Trong vụ việc này tòa án đang giải quyết và cũng đã triệu tập ông Dũng tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bởi vậy, rất có thể cơ quan điều tra sẽ từ chối thụ lý tin báo để xác minh đối với đơn thư này.
Còn trường hợp kèm theo đơn tố cáo tố giác có những chứng cứ mới, tài liệu mà cơ quan điều tra chưa thu thập được để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của ông Dũng thì người tố cáo tố giác cũng có thể xuất trình cho tòa án để được xem xét trong phiên xét xử tới đây.
Tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” không thuộc một trong các tội danh khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Cho nên, dù con trai bà Hằng không có đơn thì hành vi của ông Dũng vẫn sẽ được làm rõ trong phiên tòa tới đây để xác định ông này có vi phạm pháp luật hay không.
“Việc cơ quan tiến hành tố tụng có xử lý ông Dũng hay không, xử lý như thế nào thì sẽ phụ thuộc vào kết quả phiên tòa tới đây. Nếu tòa án xác định kết luận điều tra và cáo trạng của cơ quan tiến hành tố tụng là đúng, ông Dũng không phải là đồng phạm với bà Hằng không cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng sẽ kết luận trong bản án”, luật sư Cường chia sẻ.
Bài viết liên quan
- TOP 5 ca sĩ cát-sê cao nhất Việt Nam, một cái tên gây bất ngờ
- Trước khi ly hôn, con trai ghé vào tai tiết lộ một bí mật, tôi hoang mang đến mất ngủ cả đêm
- Lộ clip Đàm Vĩnh Hưng bị ngã ở nhà tỷ phú Mỹ, nhân chứng sống tuyên bố cứng rắn trước khi ra tòa
- Chị dâu bất ngờ biếu mẹ tôi 1 tỷ làm cả nhà kinh ngạc
- Vụ cầu hôn rồi sát hại bạn gái: Nghi phạm đã có vợ và 3 con