Trước giờ hành hình, thấy tử tù Lại Thị Ngấn bị ngất phải tiêm thuốc trợ tim, tử tù Vũ Xuân Trường cười khẩy: “Thế là thêm 1 con cave xuống đấy đủ một mâm bảy người”.
Trước giờ hành hình, thấy tử tù Lại Thị Ngấn bị ngất phải tiêm thuốc trợ tim, tử tù Vũ Xuân Trường cười khẩy: “Thế là thêm 1 con cave xuống đấy đủ một mâm bảy người”.
Ở những giờ khắc sinh tử của đời người, nhất là khi cái chết đã được báo trước như những tử tù, tâm trạng của họ thường có những diễn biến bất thường. Rất nhiều diễn biến về các cuộc thi hành án của các tử tù được báo giới trong nước miêu tả cặn kẽ. Nhưng có lẽ, tử tù có “phát ngôn sốc” với thái độ bình thản, thậm chí là cười khẩy như “ông trùm ma túy” Vũ Xuân Trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vụ án Vũ Xuân Trường là một vụ án về ma túy gây chấn động trong thập kỷ 90. Nữ thẩm phán Hoàng Tân Thanh (ở 369 Trường Chinh, Hà Nội), người giữ vai trò chủ tọa phiên tòa xử vụ Vũ Xuân Trường chia sẻ trên tờ Người Đưa Tin, vụ án này có 22 bị cáo với hơn 3 nghìn bút lục. Hơn 200 cảnh sát được giao nhiệm vụ để đảm bảo an ninh cho phiên tòa, gần 20 chiếc xe chở phạm nhân đi thành một hàng dài trên phố. Đại đa số các bị cáo đều là những người có trình độ học vấn, am hiểu luật pháp. Đặc biệt, kẻ cầm đầu Vũ Xuân Trường nguyên là đại úy, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy phòng 5, C14 (nay là C45- bộ Công an).
Rạng sáng 3/3/1998, tại trường bắn Cầu Ngà (Từ Liêm, Hà Nội), tử tù Vũ Xuân Trường cùng 6 tử tù khác phải thi hành án. 6 người này gồm: Bùi Danh Ca (nguyên đại úy, đồn phó, kiêm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Tây Trang, Lai Châu), Vũ Phong Mã (nguyên đại úy, trưởng Phòng hậu cần Công an Lai Châu), Đào Xuân Xe (lái xe Công ty Vận tải ôtô số 3), Nguyễn Trọng Thắng, Dương Ngọc Thắng (đều là công an ở Lai Châu) và Lại Thị Ngấn (không nghề nghiệp).
“Mỗi người được mang đến một bát phở, một cốc nước, một điếu thuốc. Hầu như không ai ăn. Xuân Xe húp ít nước rồi đặt bát xuống. Vũ Phong Mã rít thuốc thật sâu như để giấu đi sự hoảng sợ. Lại Thị Ngấn đầu tóc bơ phờ, đôi mắt thất thần. Chỉ có Vũ Xuân Trường xỏ hai tay vào túi.
Lần lượt các tử tù làm thủ tục kiểm tra danh chỉ bản. Lại Thị Ngấn chưa kịp lăn tay đã ngất xỉu. Hai nữ y tá phải bế xốc Ngấn ra bên để tiêm thuốc trợ tim. Một lúc sau Ngấn tỉnh lại. Trường tiến đến bên cạnh cười khẩy: “Thế là thêm một con cave xuống đấy đủ một mâm bảy người”. Nghe thấy thế, Ngấn vừa trừng mắt nhìn Trường bằng đôi mắt căm thù vừa chửi tục: “Thằng mặt…”, Trường vờ như không nghe thấy gì”, tờ Đời sống & Pháp luật thuật lại.
Đại úy Lê Quý L, cán bộ Trường bắn Cầu Ngà đã chứng kiến vô số cuộc thi hành án. Thế nhưng, ông nhớ nhất là đêm thi hành án 7 tử tù vụ Vũ Xuân Trường. Ông chia sẻ trên tờ Pháp luật & Xã hội: “Trước giờ ra pháp trường, các “phạm nhân đặc biệt” cãi nhau chí chóe. Bùi Danh Ca mắng Vũ Xuân Trường vì cho rằng trước khi chết, còn ra điều trách móc một anh PV đang ghi lại hình ảnh của hắn. Mắng Trường xong, Ca xin cán bộ cho phép hắn được hát bài “Tình cây và đất”. Cả nhóm phạm nhân lặng đi, rồi hát theo và khóc…
Tử tù Vũ Xuân Trường làm thủ tục trước khi ra pháp trường.
Vũ Phong Mã phá tan bầu không khí ngột ngạt bằng cách nhắc nhở đồng phạm của mình: “Ca ơi! Mày đừng có mải hát quá mà quên đeo găng tay đấy nhé. Mày mà quên là gia đình không tìm thấy xương tay của mày đâu””…
Tờ Tuổi Trẻ đã ghi lại lời của chị Lê Thị Hằng (người sống cạnh trường bắn Cầu Ngà, ) liên quan đến buổi thi hành án Vũ Xuân Trường như sau: “Có nhiều tử tù người mềm nhũn khi đi qua khoảnh sân nhà chị, mặt rũ rượi trong giây phút cuối đời. Nhưng cũng có tử tù như Vũ Xuân Trường – trùm ma túy khét tiếng, lúc ra pháp trường hình như biết tội lỗi quá tày đình nên chỉ mỉm cười với cán bộ thi hành án mà không một lời khóc than”.
Được biết, sau 3 năm Vũ Xuân Trường thi hành án tử, gia đình đã làm đơn xin bốc hài cốt đưa về an nghỉ trong khu mộ của dòng họ ở Kiến Xương, Thái Bình.