Người đàn bà góa 64 tuổi cưới trai tân muốn chồng tìm thêm vợ để sinh con

Thím thẳng thắn thừa nhận: “Tôi già, không còn khả năng sinh con. Tôi đã rất nhiều lần nói với ông ấy rằng hãy đi tìm người phụ nữ khác rồi sinh một đứa con để có người thờ tự sau này”.

Cuộc hôn nhân “đũa lệch” của chú thím Việt ở miền Tây đã không còn xa lạ đối với người dân xứ này. Họ ngưỡng mộ và hi vọng tình yêu của cặp đôi chồng 50 – vợ 64 mãi bền chặt, không phải chia xa. Vì thế mọi hành động xoay quanh cuộc sống của cặp đôi luôn thu hút sự chú ý.

Một số người tò mò không biết suốt 13 năm sống chung, thím Việt có điều gì trăn trở hay không? Thím có bao giờ nghĩ đến chuyện cho chú Việt cưới thêm vợ để có con nối dõi tông đường, thờ cúng lúc nằm xuống?

Một ngày đẹp trời, thím Việt đã “nói một lần cho hết” với một YouTube nổi tiếng miền Tây. Thím thẳng thắn thừa nhận: “Tôi già, không còn khả năng sinh con. Tôi đã rất nhiều lần nói với ông ấy rằng hãy đi tìm người phụ nữ khác rồi sinh một đứa con để có người thờ tự sau này.

Tôi sẵn sàng sống chung với người phụ nữ đó, chăm sóc đứa trẻ như con ruột của mình. Vậy mà ông ấy kiên quyết không đồng ý, bảo sẽ chẳng bao giờ rời xa hay làm điều gì có lỗi với tôi. Hơn cả tôi biết ông ấy không muốn tôi nghèo, khổ cực thêm nữa”.

Thím Việt lần đầu tâm sự về chuyện vợ chồng cũng như con cái.

Vợ vừa dứt lời, chú Việt cười bẽn lẽn: “Tôi chỉ thương vợ thôi. Bà ấy cứ nói hoài chuyện không sinh được con rồi động viên tôi kiếm vợ mới. Tôi làm sao làm được chuyện đó cơ chứ, nghĩa tình vợ chồng 13 năm chứ có phải vài tháng đâu mà nói kiếm vợ mới là kiếm ngay.

Tôi cũng xin thú nhận rằng từ ngày cưới bà ấy về, chưa một ngày lo được cuộc sống tử tế. Giờ tôi kiếm vợ sinh con thì làm sao lo nổi cái ăn cái mặc. Như thế tôi sẽ làm khổ thêm một người phụ nữ nữa, khổ thêm một kiếp nhỏ”.

Nhắc đến chuyện thím Việt có con riêng hay không, thím bỗng dưng rơi nước mắt hồi lâu. Sau đó thím trầm ngâm nhớ tới quá khứ đau buồn của bản thân. Thím cho biết từ lúc chào đời đã rơi vào cảnh bị cha mẹ ruột bỏ rơi ở gốc cây. Sau đó thím được cặp vợ chồng nhặt được, xin về làm con nuôi.

“Cha mẹ nuôi nấng tôi một thời gian thì sinh được con trai. Từ đó tôi bị đối xử tệ bạc, như người ở trong nhà. Tôi không được họ thừa nhận là con gái. Khi ấy tôi buồn lắm, chẳng hiểu vì sao cha mẹ lại cư xử như thế. Mười mấy tuổi, tôi đã bỏ nhà ra ngoài tự kiếm sống mưu sinh bằng đủ thứ nghề như nhặt ve chai, bán vé số, đi làm mướn…”, người phụ nữ 64 tuổi bộc bạch.

Thím Việt bươn trải tứ xứ rồi tình cờ gặp gỡ một người đàn ông, dọn về chung sống như vợ chồng. Thím không được hỏi cưới hay tổ chức tiệc tùng như người ta. Sau này thím sinh hai người con: một trai – một gái.

“Hai đứa giờ có gia đình riêng cả rồi. Song cuộc sống của chúng khốn khó lắm, chẳng đỡ đần được gì cha mẹ cả. Tôi chấp nhận và hi vọng chúng lo toan được cái ăn cái mặc cho gia đình riêng.

Khi chồng tôi mất, tôi ở vậy tự kiếm tiền nuôi thân bằng nghề buôn thúng bán mẹt ngoài chợ. Một hôm tôi tình cờ quen ông ấy – người có nhiều điểm giống hoàn cảnh của tôi”, thím Việt nói.

Khi được hỏi: “Chú Việt có điểm gì giống thím?”, người phụ nữ tiết lộ chú Việt dù có cha mẹ ruột nhưng từ lâu đã phải sống một mình do cha mẹ ly hôn, mỗi người có một gia đình riêng. Chú lớn lên bằng đủ thứ nghề, chịu bao đớn đau cuộc đời. Đó chính là lý do thím quyết định “rủ” chú về sống chung, nên nghĩa vợ chồng suốt 13 năm trời.

Ngày dọn về sống chung, cả hai đều không có mảnh đất cắm dùi. Họ quyết định đi mướn nhà trọ làm nơi xây dựng tổ ấm. Song chưa được bao lâu đã bị chủ đuổi đi vì chẳng đủ tiền đóng. “Tôi bàn tính với ông ấy xin chiếc ghe mục nát rồi sửa sang làm nhà ở, cứ lênh đênh trên sông nước. Cuối cùng chúng tôi chọn nơi này để đậu ghe và “khởi nghiệp” bằng về buôn bán lặt vặt.

Nhưng chúng tôi không có đủ vốn để duy trì, đành mua ghe cũ không sử dụng được với giá rẻ về phá ra, lấy sắt hoặc đinh gỉ bán. Giờ tôi chỉ có một mong ước duy nhất đó là có chút tiền lấy vốn làm ăn, chứ làm nghề kia mãi chẳng ổn chút nào”, thím Việt thành thật.

Mời đánh giá

Trả lời