Chồng mất sớm, chị Xuân bươn chải nuôi con, quên luôn hạnh phúc làm vợ. Khi con trai trưởng thành, chị cho phép mình rung động trước tình yêu của người đàn ông Pháp.
19 tuổi, chị Nguyễn Thị Xuân (dân tộc Tày, SN 1980, Yên Bái) lấy chồng cùng quê. Cả hai bên nhau hơn 4 năm và có 1 con trai kháu khỉnh.
Con trai 3 tuổi, chồng chị Xuân mất do tai nạn lao động. Lo tang sự cho chồng xong xuôi, chị đưa con nhỏ về tá túc nhà mẹ đẻ.
Về bên vòng tay mẹ, chị Xuân vẫn canh cánh nỗi lo sau này em trai lấy vợ thì có còn cho chị sống chung hay không.
Sự chân chất, mộc mạc của chị Xuân khiến người đàn ông Pháp yêu thích
Để vơi đi nỗi lo, chị lao vào làm việc, cố gắng tiết kiệm. Chị cũng xác định ngay từ đầu, khi các em lập gia đình, mẹ con chị sẽ chuyển ra ngoài.
Ngày mùa, chị cùng mẹ làm ruộng. Nông nhàn, chị gửi con trai cho mẹ, rời quê tìm việc làm thêm.
Nhờ nhanh nhẹn, chị được nhận vào làm tạp vụ trong các nhà nghỉ, khách sạn ở Sa Pa, Lào Cai. Đồng lương tuy ít nhưng biết chi tiêu và tiết kiệm nên chị đủ nuôi con và để dành.
Ngày bố chị mất, ông dành những giây phút cuối đời động viên con gái đi thêm bước nữa. Ông sợ lúc chị lớn tuổi không có ai ở bên bầu bạn. Nghe bố căn dặn, chị khóc nghẹn, hứa tái hôn.
Qua bạn bè mai mối, chị Xuân từng 2 lần gặp đối tượng xem mắt. Thế nhưng, hai người đàn ông đó khiến chị thất vọng.
Chị Xuân kể: “Ban đầu, hai người đó rất nhiệt tình nhắn tin, gọi điện tâm sự. Họ bảo không quan trọng bề ngoài nhưng lúc gặp mặt, họ đều chê tôi thô kệch, vất vả.
Tôi không trách họ nhưng cảm thấy tủi thân. Đàn ông luôn thích phụ nữ đẹp, còn mình xấu xí thì người ta không ưng”.
Dù rất buồn nhưng chị Xuân nghĩ đó là duyên số. Chị tạm gác chuyện tái hôn, tập trung làm việc. Chị dự định khi con trai có vợ, mới đi tìm một người phù hợp.
Cùng chồng Pháp về núi rừng Tây Bắc
Vợ chồng chị Xuân làm lễ cưới theo truyền thống người Việt
Năm 2017, chị Xuân theo người quen xuống Hà Nội làm tạp vụ. Tuy công việc vất vả nhưng bù lại, buổi tối chị có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
“Một tối nằm xem điện thoại, tôi thấy ứng dụng hẹn hò với người nước ngoài. Tôi tò mò bấm đăng nhập thì được yêu cầu nộp 280.000 đồng.
Tôi tiếc tiền, không nộp mà cứ bấm bừa. Chẳng mấy chốc, hàng chục người nhắn tin cho tôi.
Trong khi đó, tôi chỉ ấn tượng với gương mặt hiền hậu và thông tin cá nhân của một người đàn ông Pháp.
Anh tự giới thiệu bản thân tên là Bertrand Le Garrec (SN 1965), từng có 37 năm làm thuyền trưởng tàu viễn dương.
Anh sống ở miền Tây Bắc nước Pháp, đã ly hôn và có 3 con trưởng thành”, chị Xuân cho biết.
Sau khi để lại tin nhắn là số điện thoại cho anh Bertrand , chị Xuân vội vàng thoát khỏi ứng dụng hẹn hò. Vài ngay sau, chị nhận được tin nhắn “Xin chào, bạn khỏe không?” từ anh.
Hai người trò chuyện với nhau được 3 tuần thì anh Bertrand quyết định đến Việt Nam. Cả hai hẹn nhau tại một quán cà phê bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chị Xuân nói chuyện với anh Bertrand được khoảng 1 tiếng thì xin phép ra về. Tối hôm đó, anh chủ động gọi lại nói chuyện với chị. Từ đó, cả hai gọi điện tâm sự liên tục trong 1 tuần.
Sau đó, anh Bertrand xin phép được gặp chị một lần nữa. Tại buổi hẹn, anh bày tỏ tình cảm với chị. Anh hy vọng chị có thể nghỉ làm, đưa anh đi chơi.
Chị Xuân cũng muốn tìm hiểu anh và xác định tình cảm của mình. Thế nên, chị đồng ý làm “hướng dẫn viên” đưa anh đi chơi.
Anh Bertrand trả công cho chị Xuân 16 triệu đồng và luôn đặt 2 phòng khách sạn trong chuyến đi chơi.
Lúc ở Hạ Long, anh hỏi chị có tình cảm với anh chưa. Chị thẹn thùng bảo có, thế là hai người chính thức hẹn hò.
Anh Bertrand tâm sự, anh rung động trước vẻ chân chất, thật thà của chị Xuân. Anh thích phụ nữ yêu lao động, không thích người son phấn quá đà.
Chị Xuân hạnh phúc khoác lên chiếc váy cưới xinh đẹp thêm lần nữa
Tình cảm chín muồi, anh đề nghị chị Xuân đưa mình về thăm gia đình. Chị bối rối hẹn trả lời sau nhưng thực ra, chị gọi điện hỏi ý kiến của con trai.
Chị Xuân tâm sự với con trai rằng: “Mẹ có người yêu rồi. Con có cho mẹ lấy chồng xa không?”.
Ngay lập tức, con trai chị trả lời: “Mẹ muốn lấy ở đâu thì lấy, chứ nay mai, con cũng lấy vợ mà. Mẹ đưa người yêu về luôn đi”.
Chị thở phào nhẹ nhõm, rồi tiếp tục thông báo với mẹ. Mẹ khuyên chị suy nghĩ chín chắn. Bà lo con gái đưa người yêu về rồi không cưới thì xóm làng cười chê.
Ngày anh Bertrand về, các em chị Xuân chuẩn bị mâm cơm, mời người thân đến quây quần. Cả nhà động viên chị cứ thoải mái, “mưa đến đâu mát mặt đến đó”.
Lần đầu đến Yên Bái, anh Bertrand không ngại khó, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống thôn quê. Anh nằm đệm cứng, thấy muỗi thì mắc màn. Mỗi chiều, mẹ chị Xuân đều nấu một nồi nước to 20 lít cho anh tắm.
Anh vô cùng yêu thích gia đình và làng quê của bạn gái. Anh ở liền 2 tháng, ăn xong tết Việt Nam mới trở về Pháp.
Yêu nhau 3 năm, anh đều đặn về Việt Nam làm vườn giúp mẹ bạn gái. Mỗi ngày, sau bữa cơm, anh lại hào hứng ra vườn cắt cỏ.
Tháng 3/2021, chị Xuân cùng anh Bertrand đăng ký kết hôn. Anh bán một căn nhà ở Pháp, sang ở hẳn Việt Nam.
Sau khi lo nhà cửa, lấy vợ cho con trai, chị Xuân rủ chồng Pháp về Mù Cang Chải, Yên Bái xây tổ ấm. Cả hai chung tiền mua đất, xây nhà, mở homestay… rồi tận hưởng những ngày bình yên giữa núi rừng Tây Bắc.
Anh Bertrand rất quý vợ chồng con trai riêng của vợ. Đáp lại, con trai chị Xuân kính trọng và vâng lời bố dượng.
Trước đây, cậu thường gọi bố dượng bằng tên. Từ ngày lấy vợ sinh con, cậu đổi cách xưng hô, gọi anh Bertrand là ông nội.
Hai người tận hưởng cuộc sống bình yên giữa núi rừng Tây Bắc
Hàng năm, anh Bertrand theo vợ đi tảo mộ chồng cũ. Thấy mộ rậm rạp nhiều cỏ, anh nhắc chị Xuân 1 năm phải ra thăm 3 lần.
“Anh Bertrand không biết tập tục của người Tày là mỗi năm chỉ tảo mộ 1 lần. Anh nhất quyết mỗi năm ra thăm 1 lần là quá ít, lo lắng người đã khuất tủi buồn.
Anh thích sống ở Việt Nam. Về Pháp khoảng 2 – 3 tháng là anh đòi quay lại Việt Nam. Anh bảo người Việt sống tình cảm, đồ ăn rất ngon.
Anh học tiếng Việt, thích lau dọn bàn thờ. Anh cùng tôi làm việc nhà, quản lý homestay. Vợ chồng cùng nhau làm vườn, trồng hoa, ngô, dưa chuột…”, chị Xuân hạnh phúc chia sẻ.
Anh Bertrand thích chăm vợ. Chị Xuân chỉ ốm vặt, muỗi chích… anh đã lo lắng, hết lấy thuốc lại hỏi xem đau thế nào.
Nửa đêm, chị muốn uống nước, quên ví tiền, dây sạc điện thoại… anh sẽ bật dậy đi lấy cho vợ ngay.
Trước đây, chị Xuân chỉ ước lấy được người chồng không vũ phu, không nghiện rượu…
Vậy mà, chị lại cầu được ước thấy, có một tấm chồng biết yêu thương, chăm sóc vợ con. Dù hạnh phúc đến muộn nhưng chị cảm thấy mình thật may mắn.