Gói dịch vụ thấp nhất là 16 triệu đồng/buổi. Gói VIP giá từ 100-200 triệu đồng, diễn ra trong 5-6 buổi gồm đủ các bước với số người tham gia đông như một đám cưới thật.
Bỏ hàng trăm triệu đồng mua một đám cưới giả như thật
Một vài năm gần đây, tổ chức đám cưới giả trở thành một trong những dịch vụ “hot” của các công ty tổ chức sự kiện. Các công ty công khai quảng cáo trên trang web, mạng xã hội về dịch vụ “đặc biệt” với đủ lời mời chào hấp dẫn.
Ngày 16/9, phóng viên vào vai một cô gái đang mang bầu nhưng bị bạn trai chối bỏ trách nhiệm để kết nối tới công ty G. – đơn vị tổ chức sự kiện có chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM.
Một công ty tổ chức sự kiện đăng tải dịch vụ tổ chức đám cưới giả. (Ảnh chụp màn hình).
Qua cuộc điện thoại tư vấn, nhân viên của công ty G. xác nhận, công ty này thường xuyên cho khách hàng thuê cô dâu, chú rể, người đóng thế họ hàng… Khách có thể an tâm về độ chân thực của đám cưới giả và sự việc này sẽ được công ty cùng các diễn viên đóng thế bảo mật tuyệt đối.
Người này cũng liên tiếp đưa ra các câu hỏi để tìm hiểu về hoàn cảnh của khách hàng như tuổi tác, quê quán, lý do thuê chú rể, hoàn cảnh của người bạn trai cũ (nếu có), độ khắt khe của gia đình về việc đăng ký kết hôn (trước hay sau đám cưới)…
Mục đích của việc làm này là nhằm xây dựng một kịch bản hoàn hảo để chú rể được thuê diễn khớp vai, không xảy ra sai sót, đủ khả năng ứng biến với các tình huống phát sinh.
Theo nhân viên tư vấn này, nhân sự tham gia các đám cưới giả sẽ có mối quan hệ xã hội khép kín, đảm bảo giảm rủi ro thấp nhất cho khách hàng. Hợp đồng và kịch bản chặt chẽ, được phép yêu cầu diễn thử trước khi thực hiện thực tế.
Khi được hỏi về giá cả của dịch vụ, nhân viên công ty G. cho biết, tùy vào yêu cầu của từng khách hàng mà họ đưa ra các gói dịch vụ khác nhau. Gói dịch vụ thấp nhất là 16 triệu đồng/buổi và số người tham gia ít.
Gói “VIP” diễn ra trong 5-6 buổi với số người tham gia đông như một đám cưới thật có giá tới một hai trăm triệu đồng.
Công ty G. quảng cáo về dịch vụ của mình (Ảnh chụp màn hình).
“Cách đây gần một tuần, chị vừa thực hiện một gói 76 triệu đồng với đầy đủ các thủ tục từ ra mắt, chụp ảnh cưới, lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Chi phí cỗ bàn do người thuê tự bỏ. Tuy nhiên, chị luôn có những phương án tư vấn giúp em tiết kiệm nhất”, người này nói.
Công ty V. có trụ sở ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng quảng cáo trên trang web của công ty về dịch vụ nhận tổ chức đám cưới giả trọn gói, cho thuê cô dâu, chú rể, đội đỡ lễ, bạn bè, quan viên hai họ…
Chi phí đối với những yêu cầu đơn giản chỉ khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có những khách hàng cầu kì, mong muốn được tổ chức hoàng tráng, trang trọng. Số tiền phải trả có thể là hàng trăm triệu đồng.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ “đặc biệt” này. Nhóm khách hàng mà các công ty này hướng tới là những cô gái lỡ mang bầu bị bạn trai “chạy làng”, buộc phải tìm một người đàn ông làm bình phong để không làm mất mặt gia đình và tránh được miệng lưỡi người đời.
Một bảng giá cho thuê chú rể. (Ảnh: H. T)
Cũng có người tìm đến dịch vụ này vì muốn cha, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo kịp an lòng trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Một số lại là những người đàn ông thuộc giới tính thứ ba muốn tổ chức đám cưới giả để che đậy thân phận…
Những vị khách này đang lừa chính gia đình, người thân của mình. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp, nhiều vị khách muốn thuê dịch vụ này để lừa gia đình bạn trai hoặc bạn gái, tạo cho mình một “hồ sơ” đẹp trước nhà chồng.
Theo tìm hiểu, trước khi cưới, các “diễn viên” tham gia đám cưới giả sẽ phải dành thời gian làm quen với khách hàng, học thuộc kịch bản đã vạch sẵn. Thậm chí, họ sẽ phải học cách diễn sao cho giống một cặp đôi yêu nhau thật sự. Kịch bản của từng người không giống nhau bởi liên quan trực tiếp đến hoàn cảnh, thói quen, quan hệ thường ngày của người đó.
Trao đổi với PV Dân trí, ông T., giám đốc một công ty truyền thông cho biết, mỗi năm ông tổ chức hàng trăm đám cưới giả.
Ông T. cho biết, trước khi nhận lời tổ chức đám cưới giả cho một vị khách, ê-kíp của ông thường tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh của từng người, mục đích của việc thuê cô dâu, chú rể. Nếu xét thấy nhu cầu chính đáng, ông T. sẽ cho xây dựng kịch bản riêng cho từng người để khớp với thực tế.
Để tránh những rắc rối phát sinh, trước khi tiến hành giao dịch, khách hàng sẽ phải ký kết một bản hợp đồng. Trong đó quy định các điều khoản nghiêm ngặt như: Không được xâm phạm thân thể, tinh thần, không được ôm hôn hoặc quan hệ tình dục với… chồng hờ.
Nhiều trường hợp thuê nhà, thuê xe để lừa tình
Có thể thấy, dịch vụ thuê chú rể, tổ chức đám cưới giả phản ánh một góc khuất trong đời sống xã hội hiện đại. Nó có thể giúp đỡ cho một số trường hợp cụ thể thế nhưng ranh giới giữa tính nhân văn và sự giả dối, tiếp tay cho những mục đích bất chính khá mong manh.
Liên quan đến dịch vụ tổ chức đám cưới giả hiện nay, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Phạm Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, từ xưa đến nay, đám cưới là nghi thức thiêng liêng đối với mỗi cặp đôi trước khi bước vào hôn nhân.
Tùy vào phong tục tập quán, tôn giáo, từng thời kỳ, từng địa phương mà việc tổ chức lễ cưới được thực hiện khác nhau.
Trước khi tổ chức đám cưới, các nhân vật đóng thế phải học thuộc kịch bản để tránh xảy ra sai sót. (Ảnh: N.X.T)
Khi xã hội phát triển, các dịch vụ cưới hỏi càng chuyên nghiệp, giảm bớt gánh nặng về thời gian, công tác chuẩn bị cho hai bên gia đình. Nhiều nơi, người dân không còn tự mổ lợn, nấu cỗ mà thuê các đơn vị sự kiện tổ chức.
Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng đám cưới giả với nhiều mục đích khác nhau. Đáng kể phải nói đến hành vi hành vi tổ chức đám cưới giả để lừa tình, lừa gạt người khác nhằm tiến tới hôn nhân.
Luật sư Phạm Văn Cường khẳng định, đây là hành vi vi phạm đạo đức xã hội. Nếu người đã có vợ, có chồng mà làm đám cưới giả với người khác để “che mắt thế gian” rồi về chung sống với nhau như vợ chồng là vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cũng cho biết, trong xã hội, không ít trường hợp còn mượn xe, thuê nhà, giả mạo thông tin hình ảnh, thu hút tình cảm của người khác để đi đến hôn nhân hoặc lợi dụng tình cảm yêu đương.
Xét về cơ bản, hành vi đưa ra thông tin gian dối, giả mạo để kết hôn, thuê công ty tổ chức sự kiện làm đám cưới giả để lừa gạt người khác là vi phạm đạo đức xã hội chứ chưa đủ căn cứ để xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
“Việc kết hôn không đồng nghĩa với việc sẽ được bao nhiêu của hồi môn, quà cưới. Việc gia đình nhà chồng tặng cho tài sản sau khi kết hôn là quan hệ dân sự, phụ thuộc vào tình cảm chứ không phụ thuộc vào địa vị xã hội của cô dâu.
Bởi vậy, nếu chỉ có hành vi gian dối, thuê người làm đám cưới giả thì rất khó có thể chứng minh đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường phân tích.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, nếu có căn cứ cho thấy hành vi lừa tình là cơ sở để chiếm đoạt tài sản thì mới có cơ sở xử lý hình sự.
“Về mặt lý luận phải chứng minh thủ đoạn gian dối gắn liền với mục đích chiếm đoạt tài sản. Do có thủ đoạn gian dối đó nên mới chiếm đoạt được tài sản thì mới có căn cứ để xử lý hình sự”, luật sư này nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của các công ty tổ chức sự kiện, luật sư Cường cho rằng, nếu các công ty thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoài giấy phép kinh doanh, tiếp tay cho những hành vi lừa dối, gian dối thì có thể bị xem xét xử phạt hành chính. Nếu tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm.
Bài viết liên quan
- Trương Mỹ Lan đổi ý xoành xoạch, xin rồi bán, cái kết cho túi Hermes gây bất ngờ
- Xôn xao câu chuyện bố chồng 34 – con dâu 31 ở Việt Nam, danh tính khiến nhiều người bất ngờ
- Chồng nhất quyết đòi ly hôn khi phát hiện một vật trong túi xách của vợ
- Chồng lương trăm triệu chỉ đưa vợ 10 triệu, tôi gục ngã khi nhìn vào tờ sao kê tài khoản của anh ta
- Thắt lòng Làng Nủ: 400 bộ đội rút quân, 12 người biệt tích vĩnh viễn nằm lại!